Hành chính tổng hợp

“Hiệu quả công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Thành phố”

Thứ năm, 09/09/2021, 19:51 GMT+7

“Hiệu quả công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Thành phố”

       Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động, tích cực phối hợp với Hội Nông dân Thành phố triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Cụ thể như sau:

       - Ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án trọng điểm phát triển nông nghiệp như: chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển giống cây, giống con chất lượng cao; phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực: rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa,…; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp; Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững;…

     - Ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp: nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi từ sản xuất lúa và các loại cây trồng vật nuôi khác kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn, hoa kiểng, cá kiểng, bò sữa, bò thịt, thủy sản,… đặc biệt khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất giống cây con chất lượng cao, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn – với vai trò đơn vị chủ trì đã phối hợp với Hội Nông dân cùng các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, triển khai thực hiện:

        Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay), theo đó quy định: đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao được ngân sách thành phố hỗ trợ từ 60-80% lãi suất khi tham gia vay vốn ngân hàng, riêng đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất giống cây con chất lượng cao sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất. Kết quả thực hiện: từ năm 2011 đến nay, đã 24.608 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 13.841.332 tỷ đồng, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi vay 8.398.078 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay 673,525 tỷ đồng. Kết quả thực hiện cho thấy, với  1 đồng “vốn mồi” từ ngân sách, đã huy động được 20 đồng vốn đầu tư trong dân và tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp (trong đó: vốn dân 10 đồng và vốn tổ chức tín dụng 12 đồng). Tổng số lao động (việc làm) tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng 61.177 lao động, trong đó có 6.317 lao động là đối tượng hộ nghèo.

       - Ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX mới thành lập: HTX thành lập trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/HTX, chính sách thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX (cán bộ có trình độ đại học về làm việc tại HTX được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng, trình độ cao đẳng được hỗ trợ 0,8 triệu đồng/tháng), hỗ trợ vốn tín dụng cho HTX,... Kết quả thực hiện: Lũy tiến từ năm 2015 đến nay, đã hỗ trợ cho 35 HTX thành lập mới với tổng kinh phí hỗ trợ 2.812,74 triệu đồng, bình quân 93,758 triệu đồng/HTX (theo Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố); về triển khai chính sách hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố đến ngày 31/12/2020: đã hỗ trợ cho 05 HTX với tổng kinh phí hỗ trợ là 324,4 triệu đồng; về hỗ trợ vốn tín dụng cho các HTX, thành viên HTX với tổng số tiền vay là 36.835 triệu đồng.

      - Triển khai thực hiện Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11  năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ): Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2020: Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng số 2.355/2.048 người, đạt 115% so với kế hoạch năm 2020. Lũy tiến giai đoạn 2009 – 2020, Thành phố đã đào tạo cho khoảng 32.046 lao động (12.407 lao động nữ), đạt 118% so với Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" đề ra. Đánh giá hiệu quả đào nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Số người có việc làm sau học nghề là 27.713 lao động/32.046 lao động được học nghề, đạt tỷ lệ 88,85%, trong đó: số người được doanh nghiệp tuyển dụng là 1.102 lao động, 8.932 lao động có việc làm mới từ nghề đã học và tự tạo việc làm, 15.175  lao động tiếp tục công việc hiện tại. Tỷ lệ lao động làm đúng nghề đào tạo là 49,7%.

        Thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như:

       (1) Diện tích đất nông nghiệp giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, giá trị sản xuất vẫn tăng cao. Năm 2018, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm 20.005 ha so với năm 2008, nhưng GRDP ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 8.145.7 tỷ đồng, tăng 5.38 % so với cùng kỳ, bình quân giai đoạn năm 2008-2018 tăng 4.92%/năm, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 18.808 tỷ đồng tăng 5,42% so với cùng kỳ, giai đoạn 2008 – 2018 tăng bình quân 4,92%/năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid nên GRDP ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 10.167 tỷ đồng, tăng 2,06% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,37%). Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, lên 375 triệu đồng/ha năm 2015, lên 450 triệu đồng/ha năm 2017 và đến cuối năm 2018 đạt 502 triệu đồng/ha/năm (cao nhất cả nước, gấp hơn 05 lần bình quân cả nước – theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình Xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ - Đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức vào ngày 13 tháng 9 năm 2019).

        (2) Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008 - năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (15,73 triệu đồng/người/năm). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.

     (3) Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm: hộ nghèo tại 5 huyện năm 2020 là 12,147 hộ,  chiếm  tỷ  lệ 2,84%/tổng hộ dân 56 xã. Tính đến đầu năm 2020, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ <21 triệu đồng/người/năm trở xuống là là 2.002 hộ, chiếm tỷ lệ 0,4%/tổng hộ dân 56 xã.

      (4) Thành phố đã hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực theo phương thức “Hộ nông dân – HTX – Doanh nghiệp”: hiện nay tổng số HTXNN trên địa bàn 56 xã là 87 HTX, là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa “Hộ nông dân – HTX – Doanh nghiệp”. Việc triển khai chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã góp phần tạo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng đều, giảm chi phí nhân công, giảm chi phí sản xuất và giao dịch, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nổi bật là các chuỗi liên kết về chăn nuôi heo, thủy sản và sản xuất rau an toàn, bình quân có hơn 915 con heo/ngày, 20.640 tấn rau củ quả/năm, 1.558 tấn thủy sản/năm được sản xuất theo chuỗi liên kết Hộ nông dân – HTX – Doanh nghiệp.

     Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ chương trình phối hợp,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của Hội nông dân Thành phố để cùng chung tay, chung sức với các Sở ngành, Hội đoàn thể, quận – huyện của Thành phố thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nông thôn ngày càng tốt hơn. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa – xã hội, môi trường nông thôn; đảm bảo an ninh trật tự xã hội góp phần quan trọng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc