Kinh tế hợp tác

Các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ tư, 10/11/2021, 11:09 GMT+7

Các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn

Thành phố Hồ Chí Minh

Tính đến ngày 10 tháng 9 năm 2021, trên địa bàn Thành phố hiện có 114 hợp tác xã hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 114 hợp tác xã đang hoạt động có 35 hợp tác xã rau an toàn, 10 hợp tác xã hoa, cây kiểng, 5 hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, 1 hợp tác xã chăn nuôi heo, 10 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 1 hợp tác xã diêm nghiệp, 52 hợp tác xã kinh doanh tổng hợp. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã là 13.132 triệu đồng/ hợp tác xã, lợi nhuận bình quân là 525 triệu đồng/ hợp tác xã.

Các hợp tác xã nông nghiệp đang phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hoá; góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân.

Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, tiếp tục đảm nhiệm vai trò kết nối sản xuất trong nông nghiệp, hiện nay, Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai một số cơ chế chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh như sau:

1. Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

- Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

- Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm

+ Xây dựng mô hình khuyến nông;

+ Đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường;

+ Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã;

+ Ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

2. Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025

- Thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã

+ Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

+ Hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với các quy định hiện hành.

- Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể

+ Đào tạo: Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo; hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

+ Bồi dưỡng: Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 90% kinh phí đi lại, tổ chức 90% kinh phí đi lại, tổ chức lớp học và mua tài liệu học tập; hỗ trợ 90% chi phí ăn ở đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

+ Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể: Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 03 năm/người, tối đa 02 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm.

- Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100%; căn cứ mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn đề xuất đối ứng của hợp tác xã, vốn từ các nguồn hợp pháp khác và tính chất của dự án/phương án cấp chính quyền địa phương xem xét, quyết định mức hỗ trợ cho dự án/phương án từ nguồn ngân sách địa phương. Nội dung hỗ trợ:

+ Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên.

+ Xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp (bao gồm: Cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, đập dâng, kênh, bể chứa nước, công trình trên kênh và bờ bao các loại, hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm; đường trục chính giao thông nội đồng, đường ranh cản lửa, đường lâm nghiệp).

+ Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè; nâng cấp và phát triển lồng bè nuôi trồng hải sản tập trung của hợp tác xã nông nghiệp trên biển.

3. Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND ngày 23 tháng 3 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 – 2020.

- Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất: Đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; khai thác tổ yến theo quy hoạch; khai thác đánh bắt thủy sản không mang tính lạm sát (bao gồm đóng mới; thay mới, nâng cấp công suất máy dưới 90 CV; nâng cấp công suất máy từ 90 CV lên dưới 400 CV); thay mới giống đàn bò sữa hiện hữu có năng suất thấp; sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 05 năm trên một phương án

- Ngân sách Thành phố hỗ trợ 60-80% lãi suất: Đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; khai thác đánh bắt thủy sản không mang tính lạm sát. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 36 tháng trên một phương án

- Ngân sách Thành phố hỗ trợ 60% lãi suất: Đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn; khai thác đánh bắt thủy sản không mang tính lạm sát (bao gồm sửa chữa phương tiện, mua sắm ngư lưới cụ đối với tàu dưới 400 CV); sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc phát triển du lịch sinh thái. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 36 tháng trên một phương án.

Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc