Giới thiệu

Chương trình về nguồn đoàn thanh niên Chi cục Phát triển nông thôn tại đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và khu di tích Minh Đạm

Chương trình Về Nguồn đoàn thanh niên Chi cục Phát triển nông thôn tại đền thờ anh hùng liệt sĩ võ thị sáu và khu di tích Minh Đạm

        Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và hoạt động sinh hoạt chủ điểm của Chi đoàn Chi cục Phát triển nông thôn, ngày 17 tháng 6 năm 2022,    Chi đoàn Chi cục Phát triển nông thôn đã đến dâng hương Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ và Khu di tích Minh Đạm, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu.

Mở đầu chuyến đi, Đoàn đã đến dâng hương tại Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, các anh chị đoàn viên thành kính thắp nén hương trước di ảnh và tượng đài nữ Anh hùng, có lẽ mọi người không khỏi xúc động khi nghe giới thiệu về ý chí kiên cường, bất khuất của Chị.

      Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại huyện Long Đất (tỉnh Đồng Nai cũ, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị đã là chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ, làm nhiệm vụ liên lạc và tiếp tế. Tháng 2-1950, chị Sáu nhận nhiệm vụ ném lựu đạn tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp nhưng không may bị bắt. Chị lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, Bà Rịa và khám Chí Hòa. Tháng 4-1950, Pháp mở phiên tòa xử chị án "tử hình” khi chưa đủ 18 tuổi. Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ cả tại Việt Nam và Pháp. Chính vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành bản án nên tiếp tục giam cầm chị. Sau đó chúng đưa chị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết vào ngày 23-1-1952. Thi thể của chị được chôn ở Nghĩa trang Hàng Dương. Năm 1993, chị Võ Thị Sáu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh kiên trung, bất khuất, phẩm chất cao đẹp của người con gái Đất Đỏ và cái chết hiên ngang của chị đã trở thành biểu tượng cho các thế hệ mai sau noi theo. Để ghi nhớ công ơn nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1980, Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền và Đất Đỏ) đã xây dựng công viên, tượng đài Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu trên khu đất có diện tích 4.100 m2 tại thị trấn Đất Đỏ. Trong công viên có đặt bức tượng bằng đồng cao 7m, khắc họa hình ảnh chị Sáu ngẩng cao đầu, hiên ngang ra pháp trường. Dưới chân tượng đài, quanh năm hương trầm tỏa ngát

       Sau đó, Đoàn di chuyển đến tham quan Khu di tích lịch sử Minh Đạm và thắp hương tại đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Minh Đạm là dãy núi có chiều dài 9km, chỗ rộng nhất là 4km, thuộc địa phận các xã Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (Long Điền), Phước Hải, Long Mỹ (Đất Đỏ). Dãy núi này có các Hòn Đá Dựng cao 173m, Hòn Thung 217m, Chóp Mao 323m. Trước đây dãy núi này có tên là Thùy Vân vì từ xa nhìn lại có những đám mây rủ, sau này trên dãy núi xây dựng hai ngôi chùa là Châu Viên và Châu Long nên cũng gọi là núi Châu Long - Châu Viên. Địa thế dãy núi Minh Đạm hiểm trở nên trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây là căn cứ kháng chiến của cách mạng. Ngày 17-11-1948 ông Bùi Công Minh - Bí thư; ông Mạc Thanh Đạm - Phó Bí thư huyện ủy Long Điền trên đường đi công tác đã bị địch phục kích và hi sinh tại chùa Phước Trình trong khu vực núi. Để tưởng nhớ hai người cán bộ cách mạng, nhân dân đã lấy tên Minh Đạm đặt tên cho dãy núi từ đó.

       Minh Ðạm đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng, trở thành điểm du lịch lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ Đoàn viên thanh niên.

      Qua chuyến đi này thì Đoàn viên của Chi cục Phát triển nông thôn đã tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử oanh liệt và những tấm gương anh dũng đáng ca ngợi; được đặt chân vào những hang đá xưa kia từng là nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, quân dân Bà Rịa – Vũng Tàu, Đó là bài học lớn cho thế hệ trẻ hôm nay vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, học tập và phát huy truyền thống của dân tộc, xứng đáng với niềm tin của Tổ quốc dành cho thế hệ trẻ./.