Hành chính tổng hợp

“Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2021”

Thứ năm, 09/09/2021, 19:47 GMT+7

“Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị
trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2021”

       Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Thành phố. Với mục tiêu hỗ trợ hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao thu nhập hộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Hội Nông dân Thành phố và các sở ngành có liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

    Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay) được ban hành theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND và hiện nay là Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017, Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 23 tháng 3 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố là chính sách đặc thù riêng của Thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư (là hộ nông dân) khi thực hiện vay vốn từ tổ chức tín dụng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững, cụ thể:

    - Về mức hỗ trợ: ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ 60 - 100% lãi suất cho hộ nông dân để đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị, mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu,…phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.

     - Về thời gian hỗ trợ: theo chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng vật nuôi nhưng không quá 5 năm/phương án.

   - Về thẩm quyền phê duyệt phương án vay vốn: Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định hỗ trợ lãi vay đối với phương án vay vốn từ 10 tỷ đồng trở lên; Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định hỗ trợ lãi vay đối với phương án vay vốn dưới 10 tỷ đồng.

      Trong giai đoạn 2017 - 2021, đã có 1.940 lượt vay lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 2.654,223 t đồng, tổng vốn vay 1.562,060 t đồng. Lũy tiến giai đoạn 2011 - 2021, đã 24.611 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 13.847,771 tỷ đồng, trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi vay 8.403,278 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay 673,525 tỷ đồng. Kết quả thực hiện cho thấy, với 1 đồng “vốn mồi” từ ngân sách, đã huy động được 20 đồng vốn từ cộng đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

     Qua công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Thành phố, ngành Nông nghiệp đã đưa chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị đến được người nông dân và ngược lại ngành nông nghiệp cũng đã thu thập được những khó khăn, vướng mắc của hộ nông dân, từ đó, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố kịp thời tháo gỡ, đáp ứng nguyện vọng của hộ nông dân trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách đã đạt được một số kết quả trọng tâm sau đây:

      1. Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đã giúp hộ nông dân Thành phố chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, giá trị kinh tế thấp (lúa, mía, cao su) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, tập trung vào phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bao gồm: rau an toàn, hoa kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh (đây là nhóm sản phẩm: chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Thành phố; sản phẩm có khả năng cạnh tranh phát triển, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp; có khả năng ứng dụng công nghiệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống, tham gia các chuỗi liên kết, cung ứng; có lợi nhuận, giá trị tăng cao, có hiệu quả xã hội). Thực hiện chính sách trong giai đoạn 2011 - 2021, 24.611 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 13.847,771 tỷ đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi vay 8.403,278 tỷ đồng, trong đó, Ủy ban nhân dân quận - huyện, Thành phố đã phê duyệt các phương án vay vốn đầu tư các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với với tổng 22.725 lượt vay (chiếm tỷ lệ 92,33%), tổng vốn đầu tư 10.835,88 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 78,25%), tổng vốn vay 6.903,293 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 82,15%).

     2. Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đã khuyến khích hộ nông dân Thành phố  tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất/ha: giai đoạn 2011 - 2021 có 14.274 lượt hộ dân, doanh nghiệp vay vốn để dầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống gieo trồng trên giá thể, máy móc thiết bị,... với tổng vốn đầu tư là 8.031,707 tỷ đồng, tổng vốn vay là 4.957,934 tỷ đồng. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900 - 1.000 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân/ha của năm 2020 đạt 600 triệu đồng/ha, tăng 5,1 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 117,5 triệu đồng/ha).

     3. Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững: bình quân 01 phương án vay vốn sẽ tạo việc làm cho 03 lao động. Tổng số lao động (việc làm) tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng 61.177 lao động (trong đó, có 6.317 lao động là đối tượng hộ nghèo). Đến nay, Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Hộ nghèo tại 5 huyện năm 2010, chiếm tỷ lệ 14,41% tổng số hộ nhưng đến cuối năm 2020, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ <21 triệu đồng/người/năm trở xuống chiếm tỷ lệ 0,1%.

    4. Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị góp phần nâng cao thu nhập của hộ nông dân tại 05 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng nông thôn;  mới; khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp: thông qua triển khai chính sách, nhiều hộ nông dân mạnh dạn vay vốn thực hiện và nhân rộng mô hình sản xuất nông nggiệp hiệu quả (mô hình  hoa lan với doanh thu 2 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi cá kiểng với doanh thu 10 - 15 tỷ đồng/năm; mô hình trồng dưa lưới với doanh thu 3 tỷ đồng/năm), xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình sản xuất giỏi. Việc triển khai thực hiện chính sách với sự quan tâm của Thành phố, sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng đã tạo nguồn vốn quan trọng trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp Thành phố, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Kết quả quá trình thực hiện được thể hiện rõ nét qua số liệu về thu nhập tăng đều, nếu năm 2008 là 15,73 triệu đồng/người, đến cuối năm 2017 là 49,18 triệu đồng/người, tăng 3,12 lần  so với năm 2008 và đến cuối năm 2018 là 54,7 triệu đồng/người, tăng 3,47 lần so với năm 2008 (15,73 triệu đồng/người). Năm 2019 đạt 63,096 triệu đồng/người (tăng 4,01 so với năm 2008). Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc