Kinh tế hợp tác và trang trại

Hỗ Trợ Hợp Tác Xã Trong Bối Cảnh Dịch Covid-19

Thứ sáu, 01/10/2021, 20:51 GMT+7

Hỗ Trợ Hợp Tác Xã Trong Bối Cảnh Dịch Covid-19

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 và kéo dài đến nay, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2021 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trong nước diễn biến hết sức phức tạp. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước do dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và đang trong điều kiện khó khăn.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ các hợp tác xã ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, tiếp tục giữ vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội, ngày 09 tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, Chính phủ giao các Bộ ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tính đến ngày 25/9/2021, một số kết quả triển khai đạt được như sau[1]:

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

- Bộ Y tế: hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các hợp tác xã để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh”. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Bộ Y tế đang xin ý kiến các bộ,  ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

- Bộ Thông tin và Truyền thông: xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh,... nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho hợp tác xã. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó COVID-19; Cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch tại địa chỉ https://covid19.mic.gov.vn/; ban hành Quyết định số 1405/QĐ-BTTT ngày 11/9/2021 về việc hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Nền quản lý QR các địa điểm check in hoàn thành tại địa chỉ http://qr.tokhaiyte.vn. Nền tảng QR quốc gia dùng chung thống nhất đã hoàn thành và cung cấp cho các tỉnh và các bộ (Bộ Công An, Bộ Y tế); hoàn thành xây dựng nền tảng công nghệ tiêm chủng tại địa chỉ http://tiemchungcovid19.gov.vn; hoàn thành phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để người dân sử dụng thuận tiện (với tên gọi PC-Covid) tại địa chỉ http://pccovid.gov.vn; hoàn thiện nền tảng xét nghiệm thống nhất và dùng chung tại địa chỉ http://quanlymauxn.bluezone.gov.vn.

2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng

- Bộ Giao thông vận tải: hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Bộ Giao thông vận tải tổ chức giao ban hàng tuần với 63 Sở Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt. Tính đến ngày 25/9/2021, giấy nhận diện phương tiện được cấp tự động trên phần mềm khoảng 592.691 xe.

- Bộ Công Thương: chủ trì, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Bộ Công Thương đã trực tiếp và hỗ trợ các địa phương trên cả nước, hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số. Vận động và được các sàn thương mại điện tử đều tích cực hưởng ứng hỗ trợ tăng cường hiện thị các sản phẩm nông sản trên website bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ, nhất là lương thực, thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất biện pháp hỗ trợ hợp tác xã chuyển sang sản xuất và phân phối các sản phẩm nông sản theo phương thức đặt hàng tương lai để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua việc tổng hợp, dự báo sản lượng, chất lượng hàng hóa và liên kết chào bán. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: từ đầu tháng 9 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục làm việc trực tuyến với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp, Hiệp hội, người sản xuất của từng lĩnh vực sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản). Ngày 17/9/2021, tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó nắm bắt tình hình của từng lĩnh vực để trao đổi bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ những tháng cuối năm; chuẩn bị tổ chức đoàn làm việc của Lãnh đạo Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương) với một số địa phương trọng điểm để kịp thời chỉ đạo và thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo điều kiện sớm phục hồi sản xuất và chuyển hướng sản xuất kinh doanh theo phương thức mới.

3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho hợp tác xã

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, hợp tác xã. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: để triển khai chính sách này, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch CODID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Dự kiến số lao động được hỗ trợ khoảng 12,8 triệu người. Số đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 380.000 đơn vị. Ước tính tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng. Trong đó: (1) hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 30.000 tỷ đồng; (2) giảm đóng cho người sử dụng lao động là hơn 8.000 tỷ đồng (trong đó số thực hiện năm 2021 ước 2.500 tỷ đồng).

- Bộ Công Thương: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực: doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD. Về mức hỗ trợ giảm giá điện: giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng trên. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là 3 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 09 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11 năm 2021. Tổng giá trị 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng. 

- Bộ Tài chính: khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết để trình Chính phủ ban hành (đang gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định). Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Ước tính giá trị của các giải pháp hỗ trợ này là trên 22.000 tỷ đồng.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh. Kết quả triển khai đến ngày 25/9/2021: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, theo đó mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022. Tính đến 31/8/2021, đã triển khai như sau:

+ Cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

+ Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1.133.194 khách hàng với dư nợ 1.584.070 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/8/2021 đạt 4.461.163 tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng./.
 

[1] Theo Báo cáo số 6488/BC-BKHĐT ngày 25/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc