Phát triển nông thôn và bố trí dân cư

Hội nghị triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11

Thứ hai, 20/02/2023, 09:43 GMT+7

Hội nghị triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình

     Ngày 15 tháng 02 năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giải ngân các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Hội nghị được tổ chức tại 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Điểm cầu chính được tổ chức tại Hà Nội. 
     Chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội là: ông Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội. 
     Tại Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, một số điểm trọng tâm như sau:
     1.Kết quả huy động vốn, cho vay và hỗ trợ lãi suất cho khách hàng
     a) Chỉ tiêu kế hoạch cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 38.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tối đa 19.000 tỷ đồng, cụ thể:
     - Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan: tổng nguồn vốn cho vay 10.000 tỷ đồng.
     - Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan: tổng nguồn vốn cho vay tối đa 15.000 tỷ đồng.
     - Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập theo quy định tại Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và các văn bản liên quan: tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng.
     - Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị định số 28/NĐ-CP và các văn bản liên quan: tổng nguồn vốn cho vay tối đa 9.000 tỷ đồng.
     - Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg và các văn bản liên quan: tổng nguồn vốn cho vay tối đa 1.400 tỷ đồng.
     Năm 2022, căn cứ nhu cầu của các tỉnh, thành phố xây dựng và thực tế thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao kế hoạch cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 18.704 tỷ đồng và giao kế hoạch kinh phí hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm là 3.000 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 là 1.600 tỷ đồng.
     b) Kết quả huy động nguồn vốn để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP
Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện Chương trình với tổng khối lượng phát hành là 20.400 tỷ đồng, trong đó: (i) trả nợ trái phiếu đến hạn năm 2022 là 1.400 tỷ đồng; (ii) cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 19.000 tỷ đồng.
     Ngày 12 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022 - 2024 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2022, theo đó cấp bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành năm 2022 là 20.400 tỷ đồng.
     Đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành được 17.900 tỷ đồng, hoàn thành 87,7% kế hoạch, trong đó để tạo nguồn vốn triển khai cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 16.500 tỷ đồng/19.000 tỷ đồng, hoàn thành 86,8% kế hoạch.
     c) Kết quả cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQCP và thực hiện hỗ trợ lãi suất
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 283.348 tỷ đồng, tăng 35.378 tỷ đồng (+14,3%) so với năm 2021 với trên 6.550 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 254.191 tỷ đồng, tăng 30.179 tỷ đồng (+13,5%) so với cuối năm 2021.
     Trong năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng, trong đó: (i) chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 827 tỷ đồng để mua gần 86 nghìn máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến; (ii) chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 10,8 nghìn căn nhà; (iii) chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211 nghìn khách hàng được vay vốn tạo việc làm; (iv) chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng, cho gần 2,6 nghìn cơ sở giáo dục được vay vốn; (v) chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng với gần 19,5 nghìn khách hàng vay vốn.
     Đến 31 tháng 12 năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.
     2.Một số giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2023
     a) Tiếp tục tham mưu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.
     Tham mưu trình Chính phủ giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 và tạo điều kiện hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình tổ chức phát hành trái phiếu nhằm tạo lập đủ nguồn lực cho vay để đẩy mạnh triển khai, giải ngân các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
     b) Căn cứ Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác để triển khai các chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
     c) Tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023; kịp thời nắm bắt phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu vốn.
     d) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với việc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQCP; làm tốt công tác quản lý, theo dõi dư nợ cho vay, thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng.

Một số hình ảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP.HCM

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc