Phát triển nông thôn

Hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh thành kinh tế trọng điểm phía Nam”

Thứ tư, 22/07/2020, 10:02 GMT+7

Hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh thành kinh tế trọng điểm phía Nam”

Ngày 04 tháng 6 năm 2020, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp cùng Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh thành kinh tế trọng điểm phía Nam”, trong đó có sự tham gia của các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh), Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Phát triển nông thôn TP HCM.

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi lấy ý kiến của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành, các cơ quan có liên quan về xây dựng vùng nguyên liệu nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, tiếp thu các ý kiến phù hợp với đặc điểm, lợi thế của các tỉnh, thành phố làm cơ sở xây dựng giải pháp cho Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” nhằm đề xuất các chính sách cấp tỉnh để xây dựng chuỗi kiên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm theo vùng.

Tại Hội thảo đã đề xuất một số nội dung như sau:

1. Cần tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa để giúp cho việc giao lưu trao đổi mua bán được công khai, minh bạch và hiện đại với việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng cần thí điểm xây dựng sàn giao dịch thịt heo làm tiền đề để có thể nhân rộng ra các nhóm hàng, ngành hàng khác.

Việc tổ chức các sàn giao dịch dựa trên một số nguyên tắc sau:

- Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý, nguồn lực và giải pháp ban đầu để xây dựng, tổ chức hình thành các sàn giao dịch.

- Các chủ thể có liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bao gồm: nhà sản xuất, thương lái thu mua, cơ sở chế biến, giết mổ, thương nhân bán sỉ tại các chợ đầu mối, nhà phân phối hiện đại… là những chủ thể chính tham gia giao dịch tại sàn. Mỗi chủ thể sẽ được cơ quan chức năng cấp mã code để giao dịch tại sàn.

- Các cơ quan quản lý, đơn vị kiểm định chất lượng hàng hóa là bên thứ ba độc lập làm nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, giám định chất lượng hàng hóa làm cơ sở cho các bên giao dịch với nhau qua sàn.

- Sàn giao dịch được đầu tư, quản lý và vận hành một cách chuyên nghiệp bởi một doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ hưởng phí giao dịch thành công từ các giao dịch của các chủ thể trên sàn. Nhà nước và các công ty chợ đầu mối là những cổ đông sáng lập chịu trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết ban đầu để thành lập và đưa sàn giao dịch vào hoạt động. Doanh nghiệp có thể mở rộng mời các chủ thể tham gia giao dịch trên sàn làm cổ đông của Doanh nghiệp.

- Tất cả thông tin liên quan đến hàng hóa giao dịch, lưu thông mua bán trên thị trường đều được đăng ký, cập nhật, quản lý và theo dõi đầy đủ, công khai, minh bạch. Từng chủ thể tham gia vào quá trình giao dịch sẽ được phân quyền truy cập thông tin theo vai trò, chức năng và nhu cầu của mình.

- Việc hình thành sàn giao dịch tập trung chủ yếu vào các chủ thể chính:

+ Nhà sản xuất, nông dân: là người làm ra hàng hóa, được sàn giao dịch cung cấp thông tin đầy đủ để thực hiện quyền quyết định giá bán và lựa chọn người mua hàng.

+ Nhà phân phối, thương nhân: là người tiêu thụ hàng hóa, được sàn cung cấp thông tin đầy đủ để quyền lựa chọn người cung cấp và thương lượng giá mua hàng.

+ Thương lái: không còn là người quyết định và thao túng giá cả như trước nữa. Thương lái là người thực hiện chức năng gom hàng, cung cấp dịch vụ logistics, giao nhận vận chuyển hàng hóa và hưởng chi phí cho công việc này.

+ Cơ quan kiểm định, đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng: là đơn vị kiểm định độc lập thực hiện 2 chức năng chính là xác định phẩm cấp hàng hóa làm cơ sở cho việc giao dịch giữa người bán và người mua; kiểm soát và chỉ cho phép đưa vào thị trường những hàng hóa đạt tiêu chuẩn quy định của TP.

- Để thúc đẩy việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa, TPHCM cần quy định tất cả hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại thị trường TP qua kênh hiện đại và 3 chợ đầu mối sẽ phải thực hiện mua bán qua sàn giao dịch. Ngoài ra, TP sẽ có chính sách yêu cầu các tổ chức, DN có liên quan (ngân hàng, DN vận tải, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, phương tiện thiết bị…) cùng tham gia hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch và các chủ thể mua bán qua sàn.

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc