Kinh tế hợp tác

Kế Hoạch thực hiện Quyết định số 340/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể

Thứ hai, 18/04/2022, 09:29 GMT+7

KẾ HOẠCH

Hành động thực hiện Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

(Theo quyết định số 4053/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Ngày 29 tháng 11 năm 2021 Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh nhằm phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố  có hiệu quả cụ thể như sau:

I. Quan điểm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố:

1. Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc
tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và
thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.

3. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa,
xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.

4. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là
nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

5. Phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng
phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp thu kinh nghiệm,
ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế,
nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phát triển mới 300 hợp tác xã, 05 liên hiệp hợp tác xã.

- Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế hợp tác xã đạt 5%/năm.

- Tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố 0,5%.

- Thu hút thêm 30.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học,
cao đẳng đạt trên 60%; còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.

- Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động.

III. Định hướng phát triển

1. Định hướng chung: Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên. Hợp tác xã tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

2. Định hướng phát triển kinh tế tập thể theo ngành, lĩnh vực chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Điểm 2 Mục III Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và tình hình thực tế phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố như sau:

2.1. Lĩnh vực nông nghiệp

Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang
hoạt động có hiệu quả, giữ vững xếp loại hoạt động tốt, khá. Củng cố, nâng cao dần chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động trung bình, yếu. Phấn đấu hàng năm củng cố và nâng chất một số hợp tác xã hoạt động
trung bình, yếu sang hoạt động tốt, khá. Đồng thời, giải thể dứt điểm các
hợp tác xã đã ngưng hoạt động, hướng dẫn chuyển đổi đăng ký kinh doanh
đối với các hợp tác xã có giấy đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực tế đã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ…

Khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, trong đó: ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT),
công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 2,0 lần so với phương thức sản xuất thông thường. Khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của thành phố như: rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra.

Tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 05 huyện xây dựng nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

Phấn đấu 100% xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động trên địa bàn theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Tổ chức hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp đánh giá và xếp loại theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 năm 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

- Tập trung duy trì, củng cố và phát triển các hợp tác xã hiện có,
hoạt động trong các ngành nghề: thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá... và các sản phẩm làng nghề truyền thống. Phát triển mới các hợp tác xã
làng nghề tại các địa bàn có làng nghề truyền thống.

- Gắn kết các hợp tác xã với chương trình khuyến công để hỗ trợ các
hợp tác xã cùng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm công nghiệp, tạo
tiền đề cho việc hình thành các làng nghề công nghiệp mới, bảo tồn các
làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống.

- Tập trung phát triển hợp tác xã mới từ các hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ hộ gia đình nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Hỗ trợ các hợp tác xã thay đổi máy móc,
phương tiện, công cụ, khoa học - công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng  sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại, xử lý chất thải, góp phần
giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

2.3. Lĩnh vực thương mại-dịch vụ

- Tiếp tục củng cố các hợp tác xã hiện có, phát triển hệ thống cửa hàng
hợp tác xã bán lẻ hàng tiêu dùng theo phương thức bán hàng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.

- Phát triển các hợp tác xã thương mại bán lẻ. Phát triển các hợp tác xã làm tổng đại lý phân phối cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước, hình thành các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo phương thức mua chung, bán riêng.

- Xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã thương mại với hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, góp phần giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cung cấp vật tư nông nghiệp cho hộ thành viên.

- Phát triển các hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ, thu hút đông đảo
tiểu thương tham gia hợp tác xã, nhất là tại các chợ đầu mối để mở thêm các hoạt động xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa; vệ sinh môi trường; bảo vệ; tham gia phân phối hàng hóa cho các điểm bán lẻ...

- Phát triển mô hình hợp tác xã dịch vụ trong các trường học cung ứng dịch vụ chung cho các thành viên là học sinh, giáo viên của trường về: dịch vụ ăn uống, thực phẩm; dịch vụ ký túc xá, nhà ở; dịch vụ máy tính, photocopy, Internet; dịch vụ sinh hoạt văn hóa; dịch vụ du lịch, thực tập, vui chơi giải trí.

2.4. Lĩnh vực giao thông vận tải, bốc xếp

- Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã
vận tải trên địa bàn thành phố theo hướng tăng quy mô và giảm đầu mối các hợp tác xã nhỏ lẻ. Ưu tiên phát triển phương tiện mới sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.

- Tăng cường công tác giám sát việc tập huấn nghiệp vụ lái xe và
nhân viên phục vụ trên xe của các hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn theo quy định của ngành. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra
định kỳ hoặc đột xuất các hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt được ưu tiên về bến bãi, đáp ứng nhu cầu phát triển số lượng phương tiện đến năm 2030; phát triển thêm các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã như sửa chữa phương tiện; cung ứng vật tư; kho hàng, bến bãi... nhằm phục vụ hoạt động của thành viên tốt hơn.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc kết nối, chia sẻ
dữ liệu giữa Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận huyện, các Hiệp hội, các đơn vị hợp tác xã) để kịp thời triển khai thông tin chủ trương, chính sách đến các hợp tác xã.

2.5. Lĩnh vực vệ sinh môi trường

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện thu gom vận chuyển rác, giao địa bàn hoạt động... để chuyển đổi các nghiệp đoàn, tổ thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã vệ sinh môi trường.

- Củng cố, phát triển các hợp tác xã vệ sinh môi trường, phấn đấu đến năm 2030 mỗi quận trong thành phố đều có hợp tác xã vệ sinh môi trường
hoạt động trong phạm vi quận hoặc liên phường; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ ở các quận ven, huyện ngoại thành có hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường; hình thành liên hiệp hợp tác xã vệ sinh môi trường nhằm liên kết khép kín hoạt động các khâu thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế... chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thành phố.

IV. Giải pháp thực hiện:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

2. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

4. Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức
cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã

5. Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Thành phố

6. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể,
hợp tác xã

7. Xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án điển hình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Người viết : Lê Công Hậu
Ý kiến bạn đọc