Kinh tế hợp tác

Kinh nghiệm và giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Thứ tư, 10/11/2021, 11:24 GMT+7

Kinh nghiệm và giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm về nhiều mặt của khu vực phía Nam và cả nước, một vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn 1995 – 2000, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng bình quân hàng năm 10,2%, gần 1,5 lần so với mức tăng bình quân cả nước; tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá và dịch vụ có chất lượng cao; đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng tăng. Cơ cấu các khu vực kinh tế và thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tích lũy của nền kinh tế tiếp tục gia tăng, tạo tiền đề cho bước phát triển đi vào chiều sâu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế Nhà nước vẫn giữ vị trí chi phối trong các ngành quan trọng, đóng góp trên 45% cơ cấu GDP; kinh tế hợp tác được tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã và xuất hiện mô hình mới phù hợp với thực tế.

Ngày 01 tháng 7 năm 2013, các hợp tác xã chính thức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ đó đến nay, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thể hiện được vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ngoại thành, đóng góp tích cực vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua gần 10 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, có thể rút ra 04 bài học kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp như sau:

1. Cần sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và đề ra các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp.

2. Cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật… nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và sự phát triển của mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hình thức, nội dung tuyên truyền cần đa dạng, phong phú bao gồm: tổ chức tập huấn, xây dựng tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, cẩm nang), xây dựng phóng sự, biên tập phát sóng trên truyền hình, xây dựng phim truyền hình, xây dựng các chuyên trang về hợp tác xã trên báo chí.

3. Cần quan tâm công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương, Luật Hợp tác xã năm 2012, Chỉ thị của Thành ủy, Kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố về phát triển kinh tế tập thể; công tác sơ kết, tổng kết đánh giá về tình hình phát triển kinh tế tập thể, qua đó rút ra những vấn đề căn bản, bài học kinh nghiệm để có định hướng tham mưu chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của Thành phố.

4. Cần tăng cường lồng ghép công tác phát triển kinh tế tập thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế tập thể sẽ góp phần phát triển tổ chức sản xuất vốn là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tận dụng nguồn kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới để xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới để ngân sách nhà nước, sự đóng góp từ cộng đồng được phát huy tối đa, tiết kiệm và hiệu quả.
Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc