Ngành nghề nông thôn

Làng nghề đan giỏ trạt Xuân Thới Sơn

Thứ tư, 13/11/2019, 10:13 GMT+7

Làng nghề đan giỏ trạt Xuân Thới Sơn

1. Vị trí địa lý
- Xã Xuân Thới Sơn – huyện Hóc Môn nằm về phía Tây – Tây Nam của ngoại thành Tp.Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 17 km.
Ranh giới hành chính được xác định như sau:
+ Bắc giáp xã Tân Thới Nhì, Thị trấn Hóc Môn.
+ Đông giáp xã Xuân Thới Đông.
+ Nam giáp xã Xuân Thới Thượng.
+ Tây giáp xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
-  Xã Xuân Thới Sơn  được chia làm 6 ấp: tên gọi là ấp 1, 2, 3, 4, 5 ,6.
Xã Xuân Thới Sơn tương đối bằng phẳng, hơi dốc từ phía Đông sang phía Tây và từ phía Bắc xuống phía Nam. Nơi thấp nhất là vùng giáp kênh An Hạ.

 
Vị trí địa lí làng nghề
2. Lịch sử hình thành
Cách đây một thời gian khá lâu, trên địa bàn xã Xuân Thới Sơn ngoài nghề làm lúa nước thì nghề đan giỏ trạc cũng được coi là một nghề chính. Theo những người lớn tuổi nhất trong làng, nghề đan giỏ trạc xuất hiện ít nhất khoảng 100 năm về trước. Có một đặc điểm chung của những nghề thủ công truyền thống lấy nguyên liệu bằng tre trúc là thường xuất hiện ngay cùng với quá trình định cư của người dân. Nhưng chỉ riêng tại xã Xuân Thới Sơn, đan giỏ trạc mới trở thành một nghề chính thức để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, xuất bán đi nơi khác.
 

     
Giỏ cần xé làng nghề
Ban đầu, người dân chỉ sản xuất các loại giỏ dùng để đựng rau, củ, trái cây, phục vụ cho các vựa trái cây lớn. Sau này, các hộ còn nghiên cứu để sản xuất các mặt hàng giỏ bông hoa, các tác phẩm mỹ nghệ làm từ gốc tre, trúc. Mang tính thẩm mỹ cao. Trước năm 1975, đa phần các hộ trong xã làm nghề này, sau đó lan ra một số hộ ở các xã lân cận. Cư dân ở đây vừa sản xuất nông nghiệp vừa đan giỏ trạc để tăng thêm thu nhập.
Những năm sau giải phóng, các hộ tập trung làm trong các hợp tác xã do nhà nước quản lý. Ban đầu nghề cũng gặp nhiều thuận lợi khi không phải lo đến đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nên các hộ đều yên tâm sản xuất. Sau đó, do hợp tác xã không thể bao tiêu hết sản phẩm nên tình hình sản xuất giảm sút. Hợp tác xã bị giải thể, các cơ sở tư nhân đứng ra kinh doanh. Từ năm 1986 - 1995, các cơ sở tư nhân thành lập, tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của thị trường ngày càng lớn, các cơ sở này dần giải thể do chi phí mua nguyên vật liệu, thuê nhân công tăng nhưng giá bán sản phẩm thay đổi không đáng kể. 
Hiện nay, các đại lý thu mua ở địa phương đa phần là các đại lý trung gian, so với các cơ sở tư nhân và hợp tác xã trước đây thì họ không có nhiều ảnh hưởng bằng. Vấn đề này được giải thích là do họ không đứng ra tổ chức sản xuất mà chỉ đơn thuần thu mua và bán lại.
3. Tình hình hoạt động sản xuất của làng nghề
Theo số liệu thống kê hiện nay, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn): có 55 hộ tham gia sản xuất
Cây trúc sau khi mua về được cưa thành đoạn (phần lớn là nguyên liệu trúc vì tre là loại cứng, to bản hơn chủ yếu dùng làm vành miệng và số lượng của nó ít hơn loại trúc). Dùng cưa tay nhỏ cưa đứt thân trúc ra thành 2 hay 3 đoạn (tùy theo độ dài đoạn trúc và kích thước loại giỏ đan).
Sau khi cưa xong thì có thể chuyển sang công đoạn chẻ nan mà không cần phải phơi. Ngoài ra nếu phơi khô thì rất khó đan thì nan bị cứng. 
Chuốt nan là công đoạn tách, vứt bỏ phần lõi của nan trúc. Phần lõi này vốn rất xốp và không có ích cho nan trúc bởi nếu để phần lõi này lại nan trúc sẽ cứng, nặng, rất khó đan. 
Sau khi có nan trúc được chuốt thì người thợ bắt đầu đan. Trước tiên người thợ làm phần đáy của sản phẩm, tức là đan từ trung tâm của đồ đựng trước. 
Sau khi có đủ kích thước của phần đáy, người thợ tiến hành bẻ nan ngược lên phía trên để tạo thành thân giỏ. 

 
Gầy đáy và đan thành giỏ
Sau khi đan đủ độ cao của giỏ thì phần miệng được cố định bằng một đường nan kẹp. Đường nan kẹp này thường là cứng nhất, to nhất so với các đưuòng khác.
Một số loại giỏ cần độ cứng chắc cao theo yêu cầu của người mua hàng thì được gia cố thêm bằng loại dây thép mềm. Dây thép sẽ được đan giống với các loại nan kẹp vòng và có tác dụng phụ trợ nếu nan kẹp vòng bị đứt. 

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc