Kinh tế hợp tác và trang trại

Những Điều Cần Biết Về Hợp Tác Xã

Thứ tư, 23/09/2020, 13:29 GMT+7

Những Điều Cần Biết Về Hợp Tác Xã

        1. Hợp tác xã là gì ?

        Theo Điều 3, Luật Hơp tác xã năm 2012 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

         Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã”.

         2. Đặc điểm của hợp tác xã

        Thứ nhất, xét về góc độ kinh tế, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế mang tính tương trợ và chia sẻ, thể hiện ở chỗ: Theo Điều 46 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được phân phối cho thành viên theo nguyên tắc: Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm; Phần còn lại mới được chia theo vốn góp.

        Thứ hai, về tổ chức quản lý: thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã (Khoản 3, Điều 7 Luật Hợp tác xã năm 2012).

        Thứ ba, thành viên hợp tác xã góp vốn đồng thời cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã hoặc người lao động trong hợp tác xã. Nếu không sử dụng sản phẩm dịch vụ trong thời gian 3 năm trở lên hoặc không làm việc trong hợp tác xã quá 2 năm thì mất tư cách thành viên (Điểm e, Khoản 1, Điều 16 Luật Hợp tác xã năm 2012).

          3. Phân loại và đánh giá hợp tác xã

3.1. Phân loại hợp tác xã

          Theo Điều 3, 4, 5, 6, Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã, hợp tác xã được phân loại theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên; theo quy mô thành viên; theo quy mô tổng nguồn vốn và theo ngành nghề, cụ thể như sau:

        - Căn cứ theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được phân loại thành: hợp tác xã phục vụ sản xuất; hợp tác xã phục vụ tiêu dùng; hợp tác xã tạo việc làm và hợp tác xã hỗn hợp.

        - Căn cứ theo quy mô thành viên, hợp tác xã được phân loại thành: hợp tác xã quy mô thành viên siêu nhỏ là hợp tác xã có dưới 50 thành viên; hợp tác xã quy mô thành viên nhỏ là hợp tác xã có từ 50 đến 300 thành viên; hợp tác xã quy mô thành viên vừa là hợp tác xã có từ trên 300 đến 1.000 thành viên; hợp tác xã quy mô thành viên lớn là hợp tác xã có từ trên 1.000 thành viên trở lên.

       - Căn cứ theo quy mô tổng nguồn vốn, hợp tác xã được phân loại thành: hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng; hợp tác xã quy mô vốn nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; hợp tác xã quy mô vốn vừa là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng; hợp tác xã quy mô vốn lớn là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên.

       - Căn cứ theo ngành, nghề đăng ký kinh doanh, hợp tác xã được phân loại theo các nhóm ngành kinh tế cấp 1 quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

         3.2. Đánh giá hợp tác xã

       Theo Điều 7, Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp tác xã được đánh giá dựa trên 15 tiêu chí, với tổng điểm tối đa là 100 điểm và được chia thành 3 nhóm:

       - Nhóm tiêu chí về tài chính, tối đa 30 điểm, gồm 4 tiêu chí: Vốn của hợp tác xã; Tài sản của hợp tác xã; Kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của hợp tác xã; Trích lập các Quỹ của hợp tác xã.

       - Nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành và năng lực của hợp tác xã, tối đa 30 điểm, gồm 5 tiêu chí: Chấp hành pháp luật trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã; Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại; Trình độ cán bộ quản lý, điều hành; Chế độ, chính sách cho thành viên và người lao động; Mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị.

       - Nhóm tiêu chí về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng, tối đa 40 điểm, gồm 6 tiêu chí: Mức độ tham gia của thành viên đối với hợp tác xã; Lợi ích thành viên; Sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên; Công tác thông tin, truyền thông, đào tạo bồi dưỡng; Mức độ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng; Hợp tác xã được khen thưởng trong năm.

         Hàng năm, Hội đồng quản trị hợp tác xã tổ chức tự đánh giá và cho điểm hợp tác xã mình theo các tiêu chí quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT. Căn cứ trên kết quả tự đánh giá đã được Hội đồng quản trị và ban kiểm soát (kiểm soát viên) thống nhất, hợp tác xã được xếp loại như sau: Tốt tổng điểm đánh giá đạt từ 80 điểm đến 100 điểm; Khá tổng điểm đánh giá đạt từ 65 điểm đến dưới 80 điểm; Trung bình tổng điểm đánh giá đạt từ 50 điểm đến dưới 65 điểm; Yếu tổng điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm. Trường hợp hợp tác xã mới thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng hoặc hợp tác xã ngừng hoạt động từ trên 3 tháng trong năm thì không tiến hành đánh giá và xếp loại.

           4. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã

           4.1. Quyền của thành viên hợp tác xã (Điều 14 Luật Hợp tác xã năm 2012)

           - Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.

           - Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.

           - Được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã.

           - Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên.

           - Được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên.

           - Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của hợp tác xã.

           - Kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã; yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.

          - Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã.

          - Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

          - Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.

          - Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.

          - Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

          - Quyền khác theo quy định của điều lệ.

         4.2. Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã (Điều 15 Luật Hợp tác xã năm 2012)

         - Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ.

         - Góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ.

         - Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

         - Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

         - Tuân thủ điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên và quyết định của hội đồng quản trị hợp tác xã.

        - Nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ.

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc