Kinh tế hợp tác và trang trại

Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021–20

Thứ ba, 11/10/2022, 13:33 GMT+7

Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021–2025

         Ngày 02 tháng 8 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 với những nội dung cụ thể như sau:

            I. QUAN ĐIỂM

            - Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

            - Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

- Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là
vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh
công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

- Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người
dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế
nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân
nông thôn.

                II. MỤC TIÊU

1.  Mục tiêu tổng quát

        Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới

+ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

+ Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

+ Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.

+ Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

- Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70%
xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với
tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên
liệu có ứng dụng công nghệ số.

- Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

- Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô
hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 – 2030.

              III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách.

3. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số.

4. Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

5. Huy động nguồn lực triển khai chương trình
Người viết : Lê Công Hậu
Ý kiến bạn đọc