“Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030”
Ngày 30 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1741/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Theo đó, Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 đã xác định một số vấn đề trọng tâm sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
b) Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng được ngân hàng giống quốc gia, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất giống mới có quy mô lớn; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống theo hình tháp trong sản xuất giống.
- Nâng cấp, hiện đại hóa một số trung tâm giống hiện có và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi.
- Đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống lợn, 80% nhu cầu giống gà, 100% nhu cầu giống vịt, 70% nhu cầu giống bò thịt. Nhập khẩu các giống vật nuôi cấp cụ kỵ, ông bà, giống thuần có năng suất cao để làm tươi máu và cải tạo năng suất các giống vật nuôi hiện có.
- Tăng cường năng lực cho tối thiểu 6 cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp; tổ chức chọn lọc, nhân giống và sản xuất giống đồng bộ theo hệ thống cấp giống; áp dụng phương pháp quản lý giống vật nuôi theo mô hình tháp giống gắn mã định danh quốc gia đối với các cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học và tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới để sản xuất giống và phát triển chăn nuôi.
- Khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế vùng miền.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy việc xã hội hóa các hoạt động triển khai công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.
- Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ ở các địa phương.
2. Nội dung, nhiệm vụ và giải pháp
a) Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, tiếp thu nhanh các tiến bộ mới để sản xuất và quản lý giống vật nuôi
- Hỗ trợ các cơ sở giống áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa bằng một phần mềm chuyên dụng cho quản lý dữ liệu giống quốc gia để quản lý thông tin, có khả năng kết nối liên thông giữa các cơ sở giống phục vụ công tác chọn lọc, nhân giống, sản xuất giống cho từng đối tượng vật nuôi chính và công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi, bảo đảm công khai, minh bạch.
- Tất cả các cơ sở sản xuất giống vật nuôi bắt buộc phải áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu giống quốc gia, thường xuyên cập nhật thông tin dữ liệu, quản lý giống theo từng cấp giống rõ ràng, gắn mã định danh để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc trong quản lý giống vật nuôi.
- Áp dụng công nghệ gen vào chọn tạo giống vật nuôi, đẩy nhanh tiến bộ di truyền để công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong công tác tạo dòng, tạo giống, nhân giống và phát triển giống vật nuôi.
- Đầu tư thực hiện công tác chọn tạo giống vật nuôi tại các cơ sở giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, đặc biệt các giống vật nuôi bản địa.
b) Kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống vật nuôi
- Hoàn thiện các quy trình kiểm tra năng suất, đánh giá chất lượng con giống (đặc biệt đối với đực giống) bằng các công nghệ tiên tiến phù hợp từng đối tượng vật nuôi và áp dụng thống nhất chung cho các cơ sở giống trên toàn quốc.
- Rà soát và hoàn thiện quy trình khảo nghiệm, kiểm định chất lượng đối với loài giống vật nuôi chủ đạo.
c) Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ
- Tăng cường năng lực một số cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp theo hướng đối tác công tư.
- Nghiên cứu, cải tạo, tiếp cận các giống vật nuôi có năng suất cao (cấp cụ kỵ, cấp ông bà, giống thuần) để làm tươi máu và nâng cao năng suất đàn giống vật nuôi làm cơ sở cho việc ứng dụng phương pháp chọn giống theo hệ gen.
- Tổng điều tra, rà soát, tuyển chọn một số giống vật nuôi chủ đạo, có giá trị kinh tế cao; xây dựng phần mềm, ước tính giá trị giống, chọn lọc và quản lý tại cơ sở sản xuất giống, cơ sở chăn nuôi theo hình tháp 3 cấp đàn hạt nhân - đàn sản xuất - đàn thương phẩm.
d) Khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu theo lợi thế vùng miền gắn với du lịch
- Điều tra, xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền; xây dựng chỉ dân đại lý, thương hiệu gắn với du lịch sinh thái và nhu cầu thị trường.
- Tập trung phát hiện, phân tích, phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển có hiệu quả các giống bản địa có nguồn gen quý, các đối tượng vật nuôi đặc thù, lợi thế, cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống phù hợp với nhu cầu sản xuất theo phân khúc thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Tập trung sản xuất một số giống gia súc, gia cầm gà bản địa phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường.
đ) Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, cơ sở lưu giữ và nhân giống vật nuôi
- Đầu tư xây dựng một số trung tâm nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia có cơ sở vật chất đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao để thu thập, quản lý thông tin, dữ liệu cho từng đối tượng giống vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong công tác chọn giống, sản xuất giống, quản lý nguồn gen và chất lượng giống vật nuôi.
- Nâng cấp, tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất của một số đơn vị nuôi giữ giống gốc và phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ công tác chọn lọc giống, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi đảm bảo chất lượng hiệu quả.
- Tăng cường xã hội hóa, ứng dụng mã số, mã vạch phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng giống; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp giống vật nuôi theo hình thức đối tác công tư.
- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý giống vật nuôi, chuyển giao công nghệ và quản lý trang trại giống vật nuôi.
e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng giống vật nuôi
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đủ mạnh để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tăng cường năng lực, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giống vật nuôi từ trung ương đến địa phương, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng giống nhập khẩu và giống vật nuôi lưu thông trong nước.
- Nâng cao vai trò hội, hiệp hội trong công tác kiểm soát, đánh giá chất lượng giống, xác nhận nguồn gốc chất lượng giống vật nuôi.
3. Danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên
- Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam.
- Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền.
- Nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
- Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi,
- Nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi.
- Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam./.
Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ