Ngày 17 tháng 02 năm 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-UBND về Ban hành Quy định về chính sách và mức hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định các mức hỗ trợ về chính sách trợ giúp cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa đá, sương mù, mưa lớn, lũ (xả lũ), ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất (sạt lở bờ sông, bờ biển), sụt lún đất, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng do tự nhiên, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
2. Đối tượng áp dụng
Áp dụng hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra; hỗ trợ tổ chức, cá nhân có tàu cá, ngư cụ bị thiệt hại do thiên tai gây ra và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
3. Tiêu chí, điều kiện cụ thể
3.1 Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ;
- Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai gây ra được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ;
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ;
3.2 Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu
- Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 03 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai;
- Hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu: Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ;
3.3 Hỗ trợ khắc phục thiệt hại về tàu cá, ngư cụ
- Đối với vỏ tàu (thân tàu) và máy tàu:
+ Trường hợp vỏ tàu (thân tàu), máy tàu bị mất hoặc hư hỏng không thể khắc phục được phải thay mới để tái sản xuất thì số tiền hỗ trợ được tính bằng 50% giá trị của vỏ tàu (thân tàu) và máy tàu mua mới được xác định theo Bảng giá tính lệ phí trước bạ hiện hành của Ủy ban nhân dân Thành phố. Số tiền hỗ trợ tối đa được hưởng không quá 200.000.000 đồng đối với tàu dưới 15m và tối đa không quá 400.000.000 đồng đối với tàu từ 15m trở lên.
+ Trường hợp vỏ tàu (thân tàu), máy tàu bị hư hỏng nặng, tỷ lệ thiệt hại từ 50% trở lên, nhưng chưa đến mức thiệt hại toàn bộ, buộc phải thay thế, sửa chữa để tái sản xuất, phần hỗ trợ này được tính chung cho cả chi phí trục vớt phương tiện (thân tàu, máy tàu): Vỏ tàu (thân tàu) và máy tàu bị hư hỏng nặng, tỷ lệ thiệt hại từ 50% trở lên: số tiền hỗ trợ được tính bằng 30% của tỷ lệ thiệt hại nhân với giá trị của vỏ tàu (thân tàu) và máy tàu mua mới được xác định theo Bảng giá tính lệ phí trước bạ hiện hành của Ủy ban nhân dân Thành phố. Số tiền hỗ trợ tối đa được hưởng không quá 100.000.000 đồng đối với tàu dưới 15m và tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với tàu từ 15m trở lên.
+ Và một số trường hợp cụ thể khác…
- Đối với thiệt hại ngư lưới cụ bị mất toàn bộ hoặc hư hỏng nặng, không thể khắc phục: số tiền hỗ trợ được tính bằng 50% giá trị của ngư lưới cụ mua mới được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ thực tế, thay thế số ngư lưới cụ bị mất hoặc hư hỏng. Số tiền hỗ trợ tối đa được hưởng không quá 50.000.000 đồng đối với tàu dưới 15m và tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tàu từ 15m trở lên.
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm xác định mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tàu cá, ngư lưới cụ.
4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường)
+ Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các sở, ban, ngành có liên quan thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố và địa phương có cá nhân, hộ gia đình, tổ chức bị thiệt hại do thiên tai gây ra kiểm tra, rà soát và tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định hỗ trợ đối với tàu cá, ngư cụ bị thiệt hại, di dời nhà ở khẩn cấp do thiên tai gây ra.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) và các sở, ban, ngành Thành phố, địa phương kiểm tra, rà soát và tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định hỗ trợ đối với đối tượng bị thiệt hại do thiên tai được quy định tại Chương III Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp hỗ trợ xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách để triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định.
Tổ chức thực hiện Quy định đính kèm Quyết định này theo thẩm quyền./.