Thành phố có diện tích tự nhiên 209.539 ha, dân số khoảng 10 triệu người (không tính khách vãng lai và tạm trú). Diện tích đất nông nghiệp khoảng 111.729 ha (chiếm 53,3% tổng diện tích tự nhiên); trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 63.965 ha, chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). GRDP nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,4% trong tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Thành phố nhưng địa bàn của 5 huyện ngoại thành là nơi sinh sống trên 2 triệu người (khoảng 500.000 hộ); trong đó, có khoảng 50.000 hộ sản xuất nông nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước mà còn là đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp Thành phố, buộc ngành nông nghiệp Thành phố chuyển mình, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, để phù hợp với thực tiễn. Mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về an ninh lương thực, an toàn, giảm chi phí đóng gói, lưu trữ và vận chuyển nông sản để cung ứng cho khu vực đô thị; mà còn có lợi ích sinh thái môi trường từ việc giảm chất thải đô thị, nâng cao chất lượng không khí, cải thiện đa dạng sinh học đô thị và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong thời gian qua, Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, đề án theo từng ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, nhằm tháo gỡ những khó khăn trở ngại và hỗ trợ kịp thời các ngành, lĩnh vực các sản phẩm chủ lực phát triển đúng hướng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với xu hướng đô thị hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp Thành phố vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững vai trò đóng góp và thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn Thành phố phát triển.
Một số kết quả đạt được ước tính trong năm 2024 về phát triển nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại,.. hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập. Kết quả đến nay, Thành phố đã công nhận 255 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể, trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 176 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao.
2. Công tác triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, trong năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố giao chỉ tiêu đào tạo 2.998 lao động. Kết quả đào tạo 10 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã đào tạo 2.224/2998 lao động nông thôn, đạt 74% so với Quyết định số 1719/QĐ-UBND.
3. Công tác triển khai chính sách phát triển nông nghiệp
- Giai đoạn 2011 - 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) đã tham mưu Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành và triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay - theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND và Quyết định số 655/QĐ-UBND). Đây là chính sách đặc thù riêng của Thành phố để hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Theo đó, ngân sách Thành phố hỗ trợ 60 - 100% lãi suất cho chủ đầu tư để đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị, mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu. Kết quả thực hiện chính sách từ năm 2011 đến năm 2021: đã phê duyệt 8.534 quyết định, với 24.644 phương án, tổng vốn đầu tư 13.926.969 triệu đồng, tổng vốn vay 8.455.158 triệu đồng. Bình quân vốn đầu tư 565 triệu đồng/phương án và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 343 triệu đồng/phương án.
- Thành phố đang tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố, cụ thể:
+ Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 19 tháng 5 năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung, mức chi được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố.
+ Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
+ Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
4. Công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã (bằng các hình thức như: tập huấn, biên soạn cẩm nang, tờ rơi, hội nghị, hội thảo, cuộc thi, mở các chuyên san, chuyên mục, phim phóng sự, phim truyền hình, khảo sát học tập mô hình,...); Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho hợp tác xã; Hỗ trợ tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử cho hợp tác xã; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã. Kết quả: tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 175 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 113/175 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2024, đã vận động thành lập mới được 13 hợp tác xã. Tổng số thành viên của 113 hợp tác xã đang hoạt động là 2.419 thành viên, bình quân 21 thành viên/ hợp tác xã. Tổng vốn điều lệ (ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã) là 507.564 triệu đồng, bình quân 4.491 triệu đồng/hợp tác xã. Có 497 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 7.471 tổ viên, bình quân 15 tổ viên/tổ./.z6122852653139_3e56cfa355851419ee466bdf02e25955.jpg 6122852849147_7d28c268c8dbdf0ce399b3cac92986da.jpg