Nhằm ghi nhận và tôn vinh các tập thể, cá nhận có sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định số 4100/QĐ-BNN-TCCB ngày 22 tháng 11 năm 2024 về Ban hành Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam và Quy chế xét tặng Giải thưởng.
Một số nội dung chính của Quy chế Xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam:
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, điều kiện, quy trình xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các tập thể, cá nhân có sản phẩm được đề nghị xét tặng Giải thưởng
Bông lúa vàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Giải thưởng).
b) Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân thực hiện xét tặng Giải thưởng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Nguyên tắc xét tặng Giải thưởng
3.1. Việc xét tặng Giải thưởng phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện,
đúng đối tượng, điều kiện, quy trình xét tặng được quy định tại Quy chế này, đảm bảo chính xác, công khai, khách quan.
3.2. Giải thưởng ghi nhận và tôn vinh các tập thể, cá nhân có sản phẩm tiêu
biểu, xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
3.3 Trong kỳ xét tặng Giải thưởng, mỗi sản phẩm xét tặng chỉ đứng tên cho 01 cơ quan, đơn vị hoặc 01 tác giả hoặc 01 nhóm tác giả trực tiếp nghiên cứu tạo ra sản phẩm.
3.4. Một sản phẩm chỉ được tham dự xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng một lần, những sản phẩm đã đạt Giải thưởng không được tham gia xét tặng Giải thưởng các lần tiếp theo.
3.5 Giải thưởng được tổ chức xét tặng 05 năm một lần;
3.6 Không xét tặng Giải thưởng đối với các trường hợp sau:
a) Tập thể, cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo; có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ.
b) Sản phẩm của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Sản phẩm không được pháp luật cho phép sản xuất, kinh doanh hoặc không được khuyến khích sử dụng;
d) Sản phẩm vi phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức; không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam;
đ) Trường hợp sản phẩm tham dự xét tặng Giải thưởng liên quan đến bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Nhóm sản phẩm xét tặng Giải thưởng
4.1 Nhóm các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ; các phát minh, sáng chế; kết quả nghiên cứu khoa học giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu…, góp phần phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng.
4.2 Nhóm các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trong kỳ xét tặng giải thưởng như: mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp thông minh, mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, kết nối thị trường … góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại.
4.3 Nhóm thương hiệu hàng hoá có uy tín: hàng hoá thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông sản (các sản phẩm OCOP quốc gia…); vật tư kỹ thuật nông nghiệp, máy móc thiết bị.
4.4 Những sản phẩm dự thi không thuộc các nhóm sản phẩm nêu trên, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tổng hợp báo cáo Hội đồng xét tặng Giải thưởng xem xét, quyết định.
5. Cơ cấu Giải thưởng
Số lượng, cơ cấu Giải thưởng cụ thể của từng nhóm sản phẩm do Ban tổ chức Giải thưởng quy định trong mỗi lần tổ chức xét tặng Giải thưởng. Một lần xét tặng Giải thưởng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn trao giải tối đa cho 100 sản phẩm thuộc nhóm đối tượng được quy định tại Điều 3 Quy chế này.
Ngoài ra, Quy chế cũng nêu rõ các tiêu chí về điều kiện xét tặng giải thưởng, quy trình và hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng cùng 12 biểu mẫu cụ thể./.
(đính kèm Quyết định số 4100/QĐ-BNN-TCCB ngày 22 tháng 11 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)