Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025
Ngày 2 tháng 6 năm 2022, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long tổ chức Chương trình ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, Đồng chí Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng chí Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chủ trì buổi lễ.
Mục tiêu của Chương trình ký kết là: Phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả các hoạt động về quản lý nhà nước chuyên ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao của hai địa phương. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; quản lý, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, nuôi trồng trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nông sản; và có biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp học tập, trao đổi kinh nghiệm nhất là trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện thuận lợi, giới thiệu và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc 02 Sở, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, triển khai và thực hiện kế hoạch hợp tác, các dự án đầu tư, tiêu thụ nguyên liệu nông lâm sản, chế biến xuất khẩu.
Thời gian thực hiện Chương trình hợp tác trong giai đoạn 2022-2025 với các nội dung sau:
1. Phối hợp thực hiện tuyển chọn, nhân, cung ứng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao
- Hợp tác chọn tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; tiếp tục phối hợp thực hiện tuyển chọn, nhân và cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản có năng suất chất lượng cao và sạch bệnh bao gồm giống lúa đạt chất lượng cao, giống cây rau, cây ăn trái, hoa kiểng, giống vật nuôi ông bà và giống thương phẩm; giống thủy sản bố mẹ để phục vụ sản xuất giống, cung cấp các giống hoa, rau ăn lá, cây cảnh dạng cây cấy mô và cây thành phẩm; hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát hiện cây trồng biến đổi gen và các sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen, các chế phẩm sinh học phòng trừ nấm bệnh, vi khuẩn.
- Hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản và nâng cao chất lượng hoạt động của công tác kiểm nghiệm giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản.
2. Phối hợp nghiên cứu, chia sẻ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mô hình sản xuất và công nghệ bảo quản sau thu hoạch nông sản
- Hợp tác nghiên cứu phòng trừ các bệnh hại mới trên cây trồng, thủy sản; nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao quy trình thâm canh một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo nhu cầu mỗi bên trong từng giai đoạn bao gồm: Quy trình sản xuất một số loại sinh vật cảnh; quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học; quy trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng an toàn, quy trình chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô thực vật, xây dựng phương pháp phòng trừ.....
- Trao đổi kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất hiệu quả bền vững nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa hiệu quả sản xuất thông qua ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao cụ thể: Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, công nghệ nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm...
- Nghiên cứu và ứng dụng các thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ thu hoạch và chế biến bảo quản sản phẩm nông nghiệp trên lúa, đậu phộng, bắp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản...
- Nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và công tác quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý trên các loại cây trồng.
- Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu, sản phẩm nông sản an toàn, chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp,...
3. Phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh, gia súc, gia cầm, an toàn thực phẩm; kiểm soát giết mổ; kiểm dịch động, thực vật và sản phẩm động thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi
- Tiếp tục hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình dịch hại và giải pháp chỉ đạo, quản lý dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản của hai địa phương. Tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, an toàn thực phẩm; kiểm soát giết mổ; kiểm dịch động thực vật và sản phẩm động thực vật, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi; phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép.
- Phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các bệnh truyền lây giữa người và động vật; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên động vật.
- Phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình nuôi, dịch bệnh thủy sản tại địa phương; lịch thời vụ; trao đổi kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo quản lý.
- Phối hợp kiểm tra chặt chẽ công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật; hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định; công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật từ tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh giết mổ, kinh doanh phải thực hiện công tác kiểm dịch từ gốc, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc và an toàn thực phẩm, có thể truy nguyên đuợc nguồn gốc. Phối hợp kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình giết mổ, đóng gói, bảo quản, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật trong quá trình bảo quản và vận chuyển sản phẩm từ tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin về sản lượng thực vật, sản phẩm động vật, thủy sản cung cấp vào các chợ đầu mối của Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thống nhất thực hiện đúng các quy định trong việc lấy mẫu xét nghiệm của các trại, cơ sở chăn nuôi tập trung để thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.
- Xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAHP, GlobalGAP, hữu cơ và truy xuất nguồn gốc.
4. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để định hướng và bước đi phù hợp
- Hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực: Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về nông thôn mới cho cán bộ công chức các cấp tỉnh, huyện, xã tham gia thực hiện Chương trình; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho cán bộ quản lí hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại.
- Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông ngư dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Trao đổi học tập rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng chính sách, kế hoạch, định hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Trao đổi, cung cấp thông tin, tư vấn khoa học lĩnh vực quản lý trang trại, kinh tế tập thể….
- Tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời trao đổi các báo cáo tổng kết kỹ thuật hàng vụ, năm trong nghiên cứu, ứng dụng sản xuất nông lâm, thủy sản.
- Hợp tác trong phát triển trang trại, sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, liên kết sản xuất và phát triển ngành nghề giải quyết việc làm - giảm nghèo nông thôn.
5. Hợp tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Hỗ trợ, phối hợp tổ chức tham quan, học tập những mô hình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.
- Liên kết đào tạo cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới.
6. Hợp tác trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ động vật hoang dã
- Phối hợp điều tra, xác minh, giám định tang vật các vụ việc mua, bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép.
- Phối hợp trong công tác nhận dạng, cứu hộ động vật hoang dã và hướng dẫn nghiệp vụ gây nuôi sinh sản bảo vệ động vật hoang dã.
- Phối hợp cử các đoàn cán bộ nghiệp vụ thăm hỏi trao đổi nghiệp vụ lẫn nhau.
7. Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản
- Trao đổi thông tin thị trường, giá cả nông lâm thủy sản, phát triển hệ thống kênh tiêu thụ nông sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các kênh phân phối (hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, sàn thương mại điện tử,...)
- Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương thông qua các sự kiện như chợ phiên, hội chợ, hội thi, triển lãm, lễ hội, trưng bày giới thiệu sản phẩm, hội nghị, hội thảo hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, các đoàn tham quan, xúc tiến tiêu thụ nông sản, thực phẩm,... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long.
- Xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
- Thực hiện các chương trình quảng bá, kêu gọi đầu tư trong, ngoài nước trên lĩnh vực chế biến các loại nông sản có thế mạnh của hai địa phương (thủy sản tươi, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, cây có dầu, rau an toàn...).
8. Hợp tác phát triển nông nghiệp đô thị
- Thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị với công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hiện đại tiên tiến tạo giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích theo hướng bền vững.
- Tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hợp tác một số nội dung khác liên phát sinh quan đến phát triển nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả giữa 02 địa phương./.