Kinh tế hợp tác và trang trại

CUỘC THI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GIAI ĐOẠN 2025-2030

Thứ ba, 15/04/2025, 16:08 GMT+7

TP.HCM Triển Khai Cuộc Thi Khởi Nghiệp ĐMST Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Đến Năm 2030

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) đã chính thức ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030" (Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2025).

Mục tiêu chung của cuộc thi là thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, vươn tầm khu vực. Cuộc thi cũng nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác, đồng thời tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh và ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST tiềm năng. Mục tiêu hướng đến xây dựng TP.HCM trở thành "Thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ".

Đối tượng tham gia cuộc thi rất rộng rãi, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp, thanh niên, sinh viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân khác trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước có ý tưởng và công nghệ phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cuộc thi khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới áp dụng tại Việt Nam hoặc được cải tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam.Cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên, mỗi năm một lần. Thời gian và địa điểm cụ thể của từng vòng thi sẽ được thông báo trong Kế hoạch tổ chức hằng năm. Kinh phí tổ chức cuộc thi sẽ được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Quy trình của cuộc thi bao gồm các giai đoạn chính:

  • Hình thành mạng lưới và hệ sinh thái ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước. Giai đoạn này diễn ra từ tháng 1 đến tháng 7 hằng năm, tập trung vào xây dựng liên kết, chia sẻ thông tin và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp giữa các vùng.
  • Quảng bá và truyền thông cuộc thi sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút đông đảo dự án tham gia. Các hoạt động bao gồm thiết kế bộ nhận diện, in ấn phẩm, xây dựng nội dung truyền thông đa phương tiện và tổ chức các sự kiện quảng bá. Giai đoạn này dự kiến diễn ra từ quý I đến tháng 7 hằng năm.
  • Tổ chức cuộc thi qua ba vòng: Sơ tuyển, Bán kết và Chung kết. Vòng sơ tuyển dự kiến tổ chức tại 6 cụm vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Vòng bán kết và chung kết sẽ được tổ chức tại TP.HCM. Thời gian thực hiện các vòng thi dự kiến từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm.
  • Hỗ trợ tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc cho các ý tưởng, dự án ĐMST tiềm năng sau cuộc thi. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm tư vấn chuyên gia, hỗ trợ cơ sở vật chất, hoàn thiện mô hình kinh doanh, phát triển thương hiệu, tìm kiếm nhà đầu tư và mở rộng thị trường. Thời gian hỗ trợ cho các giai đoạn này không quá 6 tháng (tiền ươm tạo) và 12 tháng (ươm tạo và tăng tốc) cho mỗi dự án.
  • Đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án hằng năm và cả giai đoạn 2025-2030.

Quy chế chính thức của cuộc thi đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1239/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2025 của UBND TP.HCM. Quy chế này quy định chi tiết về Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Thể lệ cuộc thi, quy trình chấm điểm và giải quyết khiếu nại. Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao là cơ quan thường trực tổ chức cuộc thi, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ngành liên quan.

Cuộc thi sẽ có hai bảng dự thi: Bảng A dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước và Bảng B dành cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã. Hồ sơ dự thi sẽ trải qua các vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết với các yêu cầu khác nhau về trình bày ý tưởng, tính khả thi kỹ thuật, lợi ích kinh tế và kế hoạch kinh doanh.

Các dự án được đánh giá dựa trên các tiêu chí cụ thể như tính đổi mới sáng tạo, tiềm năng thị trường, mô hình kinh doanh, tác động kinh tế - xã hội, nguồn lực thực hiện và khả năng ứng dụng công nghệ. Vòng sơ tuyển tập trung vào tính cần thiết, sản phẩm/giải pháp, đội ngũ và tác động xã hội. Vòng bán kết đánh giá thêm lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Vòng chung kết tập trung vào kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính và kỹ năng thuyết trình.

Cơ cấu giải thưởng bao gồm giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho mỗi bảng, cùng với các giải phụ như Dự án được yêu thích nhất, Dự án thuyết trình ấn tượng nhất và Dự án có tính ứng dụng cao. Các dự án đoạt giải sẽ được ưu tiên xem xét tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Khu nông nghiệp công nghệ cao với các hỗ trợ về tập huấn, chuyên gia cố vấn, phát triển sản phẩm, hỗ trợ pháp lý, kết nối thị trường và cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, các dự án xuất sắc có thể được xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND với mức hỗ trợ lên đến 400 triệu đồng/dự án.

UBND TP.HCM giao Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện Đề án một cách hiệu quả, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra. Các Sở như Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan khác cũng có trách nhiệm phối hợp để hỗ trợ cuộc thi thành công.

Thông tin chi tiết về cuộc thi và quy trình đăng ký: vui lòng liên hệ thông qua đầu mối Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.

  • Email: doimoisangtaonncnc@gmail.com
  • Điện thoại: 028-6264-6103
  • Địa chỉ: Lầu 11, Tòa nhà 255 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM./.

(File: Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2025Quyết định số 1239/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2025 )

 

z6506047409442_32e67a61f835717a134121c51df3337a

 

Người viết : Hoàng Anh Tiến
Tags: ĐMST
Ý kiến bạn đọc