Cơ chế, chính sách hỗ trợ

Đánh giá 01 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 05/01/2024, 15:20 GMT+7

Đánh giá 01 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
    
     

      Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực như sau:

Hình: Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, 
hội viên nông dân năm 2023
     1. Đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
     Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo xây dựng và thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 19 nhằm mục tiêu thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất của người dân nông thôn. Qua đó, các cơ quan, đơn vị xây dựng, tổ chức các chương trình tuyên truyền, học tập, quán triệt thông qua các phương tiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo và các hình thức khác để phổ biến, nâng cao nhận thức về các mục tiêu, định hướng và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
     2. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn
     Thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn Thành phố đến năm 2025; Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện, các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền và thu hút được nhiều lao động nông thôn các trình độ tham gia học nghề; tổ chức đào tạo nghề cho cho 8.588 lao động, trong đó, có 3.635 người học nghề nông nghiệp và 4.953 người học nghề phi nông nghiệp. Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Thành phố tổ chức 174 lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn dưới 03 tháng cho 4.822 hội viên nông dân. Các lớp đào tạo ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng và thu hút nhiều hội viên tham gia; tỷ lệ hội viên có việc làm ổn định sau khi được đào tạo đạt 88,47%.
      3. Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng
     Thành phố tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số của Thành phố và các ngành công nghiệp chủ lực. Nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các chương trình, đề án của Thành phố giai đoạn 2021-2025. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
      Hiện tại, Thành phố tiếp tục triển khai đầu tư 02 dự án do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao quản lý, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản (quy mô 89 ha) tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ; Dự án mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (quy mô 23 ha) tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.
      Ngoài ra, Thành phố tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ. Về trồng trọt, tổng diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố là 458,3 ha; đã sưu tập hơn 30 giống cây trồng chủ yếu là giống rau, hoa, cây kiểng, tiến hành phục tráng giống rau địa phương, hoàn thành quy trình nhân giống invitro cho 04 giống hoa. Về chăn nuôi, tiếp tục công tác đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP với trên 170.000 lượt con heo giống các chỉ tiêu về sinh sản, sinh trưởng; nghiên cứu đánh giá hiện trạng di truyền A1A2 của đàn bò sữa Thành phố để chọn đàn bò hạt nhân A2 chất lượng cao; tiếp tục phát triển Dự án Trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel: tổng đàn bò sữa hiện nay 255 con năng suất sữa bình quân đạt 22 - 24 kg/con/ngày, chất lượng sữa ổn định, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Vinamilk. Về thủy sản, hoàn thành nghiên cứu sản phẩm cao chiết thảo dược có hiệu quả bảo vệ tôm nuôi lên đến 50% trước hai tác nhân gây bệnh chết sớm và hội chứng đốm trắng; sản xuất thử và thử nghiệm chế phẩm sinh học EM gốc và EM Rhodo tại các ao nuôi tôm tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre và tỉnh Bạc Liêu; chế phẩm giúp xử lý bùn thải đáy ao hiệu quả, ổn định chất lượng nước ao nuôi và đảm bảo sức khỏe tôm nuôi.
      4. Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
     Trong năm 2023, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố; Nghị quyết số 09/2023//NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện dần thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
      5. Đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ
Việc Thành phố ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo kết nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Theo đó Thành phố hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

Người viết : Nguyễn Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc