Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất
trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Cần Giờ
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên là 70.421,58 ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000 ha (chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện), có trên 20.000 ha mặt nước biển sử dụng cho đánh bắt thủy hải sản gần bờ, 10.000 ha đất và mặt nước biển có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và gần 1.500ha đất có khả năng sản xuất muối; cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt phủ khắp các mảng rừng phòng hộ rộng lớn là cơ sở để phát triển thủy sản và các loại hình du lịch sinh thái, là 2 ngành kinh tế chủ lực của huyện, tạo ra nguồn thu nhập cho phần lớn cư dân Cần Giờ.
Từ xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, điều kiện kinh - tế xã hội huyện Cần Giờ còn nhiều khó khăn; thu nhập dân cư thấp, còn chênh lệch nhiều so với mức trung bình của thành phố, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ lớn; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa khu trung tâm huyện.
Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020 gắn với Chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố; Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung quán triệt và tổ chức triển khai trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; trong đó tập trung các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới:
-Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất như Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại,…. Hình thành được các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện, mang lại hiêu quả kinh tế cao như: Vùng trồng xoài Cát Cần Giờ (với diện tích 226 ha, trong đó 35,24 ha ha đạt tiêu chuẩn VietGAP); Vùng nuôi chim yến lấy tổ (481 nhà nuôi); Vùng nuôi tôm nước lợ (với diện tích 1.932 ha); Vùng nuôi hàu (với diện tích 259 ha); Vùng nuôi nghêu (với diện tích 717 ha); Vùng nuôi Sò huyết (diện tích 180 ha); Vùng sản xuất giống thủy sản (với diện tích 19,5 ha); Vùng sản xuất công nghệ cao; Vùng sản xuất muối (với diện tích 1.400 ha)
-Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất: Huyện đã triển khai thi công, đưa vào sử dụng 40 công trình thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ nhu cầu sản xuất (trên 4.900 ha) với tổng vốn đầu tư 256,5 tỷ đồng. Hệ thống lưới điện được tập trung đầu tư, phát triển; đặc biệt Ngành Điện đã triển khai hoàn thành dự án cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia về xã Thạnh An cấp điện phục vụ cho 1.071 hộ dân ở xã, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
-Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã mới thành lập, từ năm 2010 đến nay huyện đã hỗ trợ 06 hợp tác xã, số tiền 458,21 triệu đồng.
-Tổ chức cho các hộ nông dân đưa sản phẩm nông sản Cần Giờ (trái cây, thủy sản) tham gia các hội thi, hội chợ triển lãm trên địa bàn thành phố và các tỉnh; hướng dẫn các tổ hợp tác, các cơ sở chế biến thủy sản đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm tiêu thụ. Hoàn thành xây dựng và được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu yến sào Cần Giờ và khô cá dứa Cần Giờ…
Qua đó, sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến và phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành thủy sản đạt 8%/năm, nông nghiệp đạt 12%/năm góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế huyện; từ xuất phát điểm thấp, trước khi thực hiện Đề án, thu nhập bình quân đầu người tại các xã đạt 15 triệu đồng/người/năm, đến nay qua khảo sát thu nhập của người dân ước đạt 60,15 triệu đồng/người/năm, tăng 4,1 lần so với năm 2015.
Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất, trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn (đơn vị trực tiếp tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã đánh giá Tiêu chí Tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Thành phố) đề xuất Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống điện, thủy lợi, giao thông nội đồng; Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, mặt nước, sông rạch phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố, khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, kinh doanh; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của Thành phố, của huyện
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với đặc trưng của một huyện nông thôn mới của thành phố, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch và sản phẩm đặc trưng mang màu sắc bản địa; sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái tận dụng thế mạnh tại địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển các sản phẩm chế biến từ các đối tượng chủ lực như tôm nước lợi các loại, hàu, yến, cua, muối… và các sản phẩm tự nhiên nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng phòng hộ (mỗi năm từ 5 -7 sản phẩm). Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch và các địa phương để phục vụ du khách; nâng hạng 5 sao cho 3 sản phẩm OCOP
Bốn là, thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư theo hướng phát triển các đối tượng, mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện và trình độ của người sản xuất.
Sản phẩm yến sào và khô cá dứa của HTX Thuận Yến, huyện Cần Giờ