Giới thiệu sơ lược về Chi cục phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh
Theo quyết định số 6293/QĐ-UBND ngày 02/12/2016 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc tổ chức lại Chi cục Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng năm các chương trình dự án, cơ chế chính sách về quản lý lĩnh vực chuyên ngành; với các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp như: kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế hộ và kinh tế trang trại trong nông nghiệp (nông nghiệp, nông lâm, ngư nghiệp và nghề muối); quy hoạch, bố trí dân cư, di dân tái định cư trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mô hình nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp và nông thôn; phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, nghề muối.
Lãnh đạo thành phố tham dự Hội thảo mô hình đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
Các nhiệm vụ được phân công cụ thể như sau:
1) Giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố về xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm: chương trình, dự án, cơ chế chính sách về sắp xếp, điều chỉnh bố trí lại dân cư, di dân tái định cư trong nông nghiệp và nông thôn; xây dựng mô hình nông thôn mới; quản lý hợp tác xã, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn trên địa bàn thành phố.
2) Tham mưu trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn văn bản thuộc phạm vi quản lý của Chi cục để Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung văn bản đã trình.
3) Tổ chức chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt.
4) Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ cán bộ, ở cấp cơ sở phường-xã, hợp tác xã, lao động ngành nghề nông thôn góp phần chuyển dịch lao động, phân bổ lao động ở nông thôn ngoại thành.
5) Phối hợp với các ban ngành quận-huyện có liên quan kiểm tra, tổng kết các chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn như: khuyến khích phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thủy lợi, ngành nghề nông thôn, di dân, dãn dân, xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hợp tác, cải thiện quan hệ sản xuất; chính sách phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
6) Nghiên cứu, đề xuất nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn có hiệu quả; triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
7) Thu thập thông tin, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các mô hình kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.
8) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình nhiệm vụ được giao theo quy định; xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chi cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Sở.
9) Xây dựng và tổ chức thực hiện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại trong nông nghiệp (nông nghiệp, nông lâm, ngư nghiệp và nghề muối).
10) Đề xuất về cơ chế chính sách liên quan đến đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đất sản xuất muối, cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
11) Đầu mối quản lý nhà nước về các cơ sở chế biến bảo quản nông, lâm, thuỷ sản và những sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu có gắn với vùng nguyên liệu.
12) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Ủy ban nhân dân thành phố và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
hinh2.jpg
Cơ cấu tổ chức bộ máy: Chi cục có 04 phòng nghiệp vụ:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp;
- Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại;
- Phòng Phát triển nông thôn và bố trí dân cư;
- Phòng Cơ điện và ngành nghề nông thôn.
- Phòng Hành chính-tổng hợp: lập các báo cáo, quản lý luân chuyển công văn, lưu trữ, quản lý dấu, quản lý mạng nội bộ, trang Web, kiểm tra, đề xuất sửa chữa các tài sản và vật dụng phục vụ công tác; tham mưu đề xuất công tác tuyển dụng, xét tuyển, nâng bậc lương, đề bạt cán bộ, bồi dưỡng, đào tạo quy hoạch cán bộ, khen thưởng, kỷ luật… Tham mưu xây dựng kế hoạch theo nhiệm vụ được giao hàng năm; lập dự toán, điều chỉnh bổ sung kinh phí theo các nhiệm vụ được phân công đột xuất…Quản lý các nguồn kinh phí, cấp phát, thanh quyết toán các khoản chi tiêu theo chính sách, chế độ; thực hiện các báo cáo tài chính theo quy định.
- Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại: nghiên cứu, đề xuất xây dựng, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện về kinh tế tập thể. Hướng dẫn, tư vấn thành lập, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều tra khảo sát thiết lập cơ sở dữ liệu về kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan về kinh tế tập thể: hợp tác xã, tổ hợp tác; đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã; tham mưu đề xuất các chương trình dự án phát triển nông nghiệp về hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa...
- Phòng Phát triển nông thôn và bố trí dân cư: nghiên cứu, đề xuất xây dựng, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp – phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; các mô hình phát triển nông thôn…, sơ tổng kết các chương trình. Tham mưu xây dựng, hướng dẫn, quản lý nhà nước các chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản, chính sách đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công tác phân bố lao động dân cư, di dãn dân và các dự án quy hoạch, phát triển vùng kinh tế, dân cư trên địa bàn thành bố; các nội dung lồng ghép thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo của ngành nông nghiệp thành phố.
- Phòng Cơ điện và ngành nghề nông thôn: tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, chương trình, cơ chế chính sách phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường trong bối cảnh nông nghiệp đô thị: cập nhật cơ sở dữ liệu về ngành nghề nông thôn, tổ chức khảo sát học tập mô hình làng nghề, ngành nghề nông thôn tại các tỉnh thành, tổ chức tập huấn phát triển cộng đồng trong làng nghề, ngành nghề nông thôn, tuyên truyền phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện để giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.