Hành chính tổng hợp

Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 với chủ đề Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số-động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động

Thứ sáu, 13/09/2024, 14:15 GMT+7

HƯỞNG ỨNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA NĂM 2024 VỚI CHỦ ĐỀ:PHỔ CẬP HẠ TẦNG SỐ VÀ SÁNG TẠO ỨNG DỤNG SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ - ĐỘNG LỰC MỚI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

     Chuyển đổi số quốc gia là một trong những mục tiêu mà nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện trong lộ trình đến năm 2025.

     Ngày 7/6/2024, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 934/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

     Phát huy tinh thần hưởng ứng Ngày Chuyển đối số quốc gia hàng năm, Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tập trung vào chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

     1. Khái niệm về chuyển đổi số quốc gia

     Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

     Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

     2. Ngày chuyển đổi số quốc gia

     Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

     Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

     Ý nghĩa của ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số mà nhà nước định hướng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

     Như vậy, 2022 là năm đầu tiên mà Việt Nam có ngày chuyển đổi số quốc gia. Điều này thể hiện quyết tâm trong việc chuyển đổi số của nhà nước ta cũng như tạo nên một bước ngoặt trong lĩnh vực này.

     3. Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia

     Dưới đây là một số mục tiêu của trong lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025:

     Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ,…

     Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

     Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2025 là hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

     4. Các nội dung Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xây dựng hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia
     1. Tham gia tổ chức các chiến dịch, hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, trên mạng xã hội, màn hình quảng cáo, trên các ứng dụng dưới nhiều hình thức về thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024.
     2. Tổ chức giới thiệu các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ số mới, có giá trị cho người dân, doanh nghiệp (đặc biệt các sản phẩm về Đề án 06, các mô hình điểm đã thí điểm có hiệu quả trên địa bàn Thành phố). Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm thảo luận đánh giá những mặt mạnh, hạn chế và giải phát thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số trên địa bàn Thành phố; đặc biệt là chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới.
     3. Tham gia hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, đẩy nhanh tiến độ tăng tỷ lệ các dịch vụ công lên trực tuyến và đủ điều kiện trực tuyến toàn trình; tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam.
     4. Tổ chức đánh giá, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn về An toàn thông tin của tất cả các hệ thống, nền tảng theo quy định.
     5. Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp viễn thông để nâng cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ số, dữ liệu số nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, dự báo.
     6. Phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng và thực hiện ký số.
     7. Triển khai chương trình phổ cập tên miền quốc gia “.vn” cho rộng rãi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
     8. Tổ chức ra mắt, giới thiệu các ấn phẩm về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam” trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo.
     9. Phấn đấu xây dựng cơ bản các nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để tích hợp với cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của Thành phố.
    10. Phát động phong trào, cuộc thi sáng tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập, lao động và các lĩnh vực khác.
     Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ là hoạt động thường niên để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia không chỉ mang ý nghĩa chào mừng, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà còn là dấu mốc để đánh giá hoạt động chuyển đổi số hằng năm./.

Thái Thị Hà (Tổng hợp)

Người viết : Thái Thị Hà
Ý kiến bạn đọc