Ngày 16 tháng 5 năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP, kèm theo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về vai trò động lực của khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hình 1: Hình ảnh các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Công ty công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu
Với mục tiêu, tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4 tháng 5 năm 2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 68-NQ/TW).
Xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia
Kế hoạch hành động của Chính phủ gồm 8 nhóm nhiệm vụ lớn:
- Thống nhất nhận thức, tư duy hành động về kinh tế tư nhân: Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. Các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi tư duy hành chính từ "quản lý" sang "phục vụ", đồng hành cùng doanh nghiệp. Cần tạo dựng mối quan hệ minh bạch, thân thiện, bình đẳng giữa chính quyền và khu vực tư nhân.
- Cải cách thể chế và chính sách: Chính phủ yêu cầu loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm thủ tục hành chính, minh bạch hóa chính sách và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Mọi doanh nghiệp, bất kể hình thức sở hữu, đều phải có cơ hội tiếp cận nguồn lực và chính sách công một cách công bằng.
- Tạo điều kiện tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao: Việc rà soát, quy hoạch sử dụng đất, cung cấp mặt bằng sản xuất, sửa đổi quy định về cho thuê đất công, ưu đãi tín dụng, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng… là các biện pháp then chốt nhằm giúp kinh tế tư nhân phát triển thuận lợi và bền vững.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp tư nhân sẽ được khuyến khích trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, được miễn giảm thuế với các hoạt động nghiên cứu, đầu tư công nghệ và áp dụng ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
- Tăng cường liên kết kinh tế: Chính phủ đề ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI; đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường trong nước.
- Phát triển doanh nghiệp lớn, tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực: Đây là bước đi chiến lược để xây dựng những doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Các chính sách ưu đãi, cơ chế đặt hàng công – tư, đầu tư theo phương thức PPP sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
- Hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh: Chính phủ sẽ cải cách chế độ thuế, tài chính, kế toán để phù hợp với thực tế; đồng thời hỗ trợ miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán, đào tạo pháp lý, quản trị cho nhóm đối tượng này.
- Đề cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội: Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp gắn với văn hóa dân tộc, minh bạch, chính trực. Tôn vinh doanh nhân tiêu biểu và mở rộng cơ hội tham gia vào quản trị đất nước cho đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm.
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, chịu trách nhiệm điều phối, theo dõi tiến độ thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, có mốc thời gian rõ ràng, định kỳ báo cáo kết quả.