Ngày 13 tháng 3 năm 2025, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU, triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn trong giai đoạn mới.
Trong thời gian qua, TP.HCM đã đạt được một số kết quả tích cực như: thành lập Ban chỉ đạo cấp địa phương, triển khai khảo sát nhu cầu học nghề, tổ chức tuyên truyền vận động người dân tham gia học nghề, tư vấn việc làm và chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn tồn tại hạn chế như chất lượng chưa đồng đều, hiệu quả sau đào tạo chưa cao, chủ yếu mới ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Để khắc phục và nâng cao hiệu quả, Chỉ thị 42-CT/TU nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
- Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cán bộ về vai trò chiến lược của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi số.
- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chính sách đào tạo nghề; nhân rộng các mô hình hiệu quả, điển hình học nghề - lập nghiệp tại nông thôn.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu thị trường, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Ban hành chính sách đào tạo nghề đến năm 2030, ưu tiên cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, học sinh tốt nghiệp THCS và THPT chưa vào đại học.
- Khai thác thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất xanh, bền vững và chuyển đổi nghề thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đảm bảo nguồn lực và điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, xã hội hóa và thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học, nghệ nhân cùng tham gia giảng dạy và đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề.
- Tổ chức thực hiện đồng bộ, phân công rõ trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết; lồng ghép các mục tiêu đào tạo nghề vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.
Người viết : Nguyễn Thanh Hải