Hiện nay, Huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) là địa phương duy nhất của Thành phố sản xuất muối. Huyện Cần Giờ với vị trí tự nhiên tiếp giáp với biển Đông, là điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề làm muối, đây là nghề truyền thống trên 50 năm tại huyện. Hiện toàn huyện Cần Giờ có 686 hộ dân sản xuất muối, với tổng diện tích sản xuất 1.540 ha.
Trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối như: đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện; triển khai và nhân rộng mô hình muối trải bạt, mô hình sản xuất muối gắn với cất trữ nước chạt thích ứng với mưa trái mùa. Cùng với đó là triển khai các chính sách hỗ trợ như: chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 60-100% cho diêm dân khi đầu tư phát triển sản xuất muối , chính sách hỗ trợ đào tạo nghề làm muối trải bạt . Sản lượng bình quân đạt đến trên 100.000 tấn/năm, năng suất sản xuất muối trải bạt cao hơn phương pháp truyền thống (muối đất) 32%, giá muối trải bạt cao hơn so với muối đất 15,69%. Sản lượng muối được sản xuất tại huyện Cần Giờ chủ yếu được doanh nghiệp, thương lái thu mua làm nguyên liệu cung cấp cho các tỉnh miền tây (phục vụ chế biến thủy sản chiếm 85,02%); 8,41% phục vụ chế biến muối trong nước; 6,57% phục vụ xuất khẩu (chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc làm kim chi)).
Để tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng muối trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản phẩm muối qua chế biến – góp phần nâng cao giá trị hạt muối như: sản phẩm muối tôm, ớt, tiêu, sản phẩm muối ngâm chân thảo dược, viên muối súc miệng, muối tắm thảo dược và đặc biệt là đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất muối gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo huyện Cần Giờ triển khai mô hình này, thu hút khoảng 5.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ. Hoạt động du lịch này góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm muối tại chỗ thông qua việc du khách mua làm quà tặng, tiêu dùng thực phẩm, sử dụng dịch vụ,... Nơi đây đã trở thành điểm đến thú vị cho đông đảo du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh và được bình chọn là 01 trong 100 điều thú vị của Thành phố Hồ Chí Minh tại hạng mục điểm đến thú vị.
Về tình hình nhập khẩu muối: bình quân trong năm Thành phố nhập hơn 248.000 tấn muối từ các các nước để phục vụ cho ngành công nghiệp, y tế.
Từ tình hình thực tế sản xuất và nhập khẩu muối tại Thành phố Hồ Chí Minh, có một số kiến nghị được đề xuất như sau:
- Trung ương sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm muối trong nước phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế với mục tiêu khuyến khích phát triển sản xuất muối trong nước đáp ứng được yêu cầu chất lượng muối phục vụ công nghiệp chế biến và y tế (đây là 2 lĩnh vực cần sản lượng muối rất lớn). Tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình sản xuất muối công nghệ cao mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hạt muối.
- Có nghiên cứu nhu cầu về chất lượng muối của các thị trường quốc tế. Từ đó định hướng quy hoạch sản xuất vùng muối cho phù hợp.
- Xây dựng và giới thiệu các mô hình sản xuất muối kết hợp nuôi trồng thủy sản, mô hình sản xuất muối gắn với chế biến, mô hình sản xuất muối gắn với hoạt động du lịch với quy mô vừa và nhỏ (vì đa phần người sản xuất muối là hộ gia đình) để các địa phương có thể tham quan, học tập.
Một số hình ảnh:
1. Hình ảnh cánh đồng muối tại huyện Cần Giờ
2. Hình sản xuất muối gắn với hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ: