Sáng ngày 23 tháng 5 năm 2025 Ủy ban nhân dân Quận 4 phối hợp với Chi cục Kinh tế hợp tác – Sở nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Quận 4 năm 2025.
Tham dự hội nghị là đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Quận, các phòng ban, đơn vị, trung tâm thuộc Quận, thành viên Hội đồng Đánh giá và Tổ giúp việc phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP Quận, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, cán bộ phụ trách kinh tế và Ban điều hành khu phố 10 phường; Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiềm năng OCOP trên địa bàn Quận.
Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ công chức, chuyên viên phụ trách Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của quận và Ủy ban nhân dân 10 phường, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ những quy định, thủ tục hành chính, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh khi tham gia Chương trình OCOP; Đặc biệt, cung cấp thông tin và hướng dẫn chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm đặc trưng địa phương trên thị trường.

Tại hội nghị, phần thứ nhất "Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại TPHCM" được báo cáo viên Lương Thanh Phương, đại diện Chi cục Kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM chia sẽ, thông tin kết quả triển khai chương trình OCOP trên cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở pháp lý thực hiện chương trình, lợi ích khi trở thành chủ thể có sản phẩm OCOP, chế độ, chính sách hỗ trợ dành cho chủ thể OCOP trên địa bàn Thành phố và hướng dẫn thủ tục, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giúp các chủ thể OCOP tiềm năng đăng ký tham gia để được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Phần tiếp theo, "Vai trò Sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP" được báo cáo viên Nguyễn Thị Ngọc Nhung, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM chia sẻ các nội dung: Tổng quan về Chương trình OCOP tại TPHCM có liên quan đến sở hữu trí tuệ; Chính sách hỗ trợ về sở hữu trí tuệ liên quan đến Chương trình OCOP tại TPHCM và Khái quát nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Về kết quả đạt được trong năm 2024, Quận 4 dù địa bàn nhỏ, ít sản phẩm nông nghiệp truyền thống, nhưng chương trình OCOP vẫn được triển khai nghiêm túc, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Quận đã chủ động rà soát, vận động các doanh nghiệp có sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Đến nay, Quận đã có 04 sản phẩm giày da của Cơ sở Vĩnh Hội được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Giày da Vĩnh Hội là một trong những hộ tiêu biểu của làng giày Khánh Hội, được hình thành sau năm 1975, là đời hậu duệ của ông cha - cơ sở giày da Lê Văn Bé theo ngành giày da trước năm 1975. Giày da Vĩnh Hội phát triển vượt bậc, tạo được uy tín mạnh với khách hàng trong và ngoài nước, nhiều hợp đồng đã được ký kết. Sản phẩm được bày bán trong các siêu thị cao cấp như Thương xá Tam Đa, Thương xá Tax ở Quận 1, chợ An Đông, chợ Bến Thành, khu giày da Nguyễn Trãi. Giày da Vĩnh hội đã góp phần đào tạo hơn 1.000 người lao động, trong số đó có nhiều người trở thành những thợ giày da giỏi của Quận 4 và các quận khác.
Một số sản phẩm khác như nước mắm truyền thống của Doanh nghiệp Liên Thành, Hạnh Phúc và sản phẩm giày da, túi xách, ví,... đang tiếp tục được hỗ trợ hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong năm 2025.
Định hướng phát triển Chương trình OCOP trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi gắn với mô hình chính quyền đô thị mới. Sau ngày 01/7/2025, địa bàn Quận 4 sẽ không còn tổ chức theo cấp quận như trước, mà chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp: Thành phố và Phường. Quận 4 bao gồm: Phường Xóm Chiếu, Phường Khánh Hội và Phường Vĩnh Hội sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND của UBND Quận 4 về thực hiện chương trình OCOP năm 2025.
Các nhiệm vụ trọng tâm định hướng như sau:
- Phát triển các nhóm sản phẩm đặc trưng có tiềm năng tại địa bàn đô thị, nhóm thực phẩm gia vị (nước mắm truyền thống), sản phẩm giày da - túi xách - ví. Các cơ quan chức năng của quận/phường tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký xét công nhận sản phẩm OCOP, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đánh giá của chương trình.
- Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các kênh phân phối hiện đại: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ dân sinh như Chợ Xóm Chiếu.
- Phối hợp tổ chức Hội chợ OCOP Quận 4 vào tháng 12/2025 nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, quảng bá trực tuyến và bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử.
Đây là định hướng lâu dài nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục đổi mới, nâng tầm sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế đô thị theo hướng hiện đại và bền vững.
Tại hội nghị, các ý kiến, thắc mắc của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã được đại diện các báo cáo viên của Chi cục Kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM ghi nhận, giải đáp cụ thể.