Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2050
*****
Ngày 30 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một số nội dung chính của Quyết định được xác định như sau:
1. Quan điểm phát triển
- Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển hợp tác xã và theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm;
- Sản xuất trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên.
- Phát triển các cây trồng lợi thế của vùng gắn với bảo tồn giống cây trồng đặc sản, bảo vệ di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu chung
Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm.
- Đảm bảo tưới chủ động trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa; 70% diện tích cây trồng cạn được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
- Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%.
- Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD.
- Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng.
2.3. Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu đến năm 2050 trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
3. Một số giải pháp chính
- Truyền thông nâng cao nhận thức: Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tầm quan trọng của trồng trọt với các giá trị kinh tế, môi trường và ổn định xã hội.
- Đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh: Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt vai trò của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp đem lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt; khuyến khích người sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…….
- Phát triển thị trường nông sản: Xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản hiện đại. Tăng cường quản lý chất lượng từ khâu giống, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến đảm bảo sản phẩm trồng trọt. Áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, xuất khẩu. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân……
- Khoa học công nghệ và khuyến nông: Tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường. Tập trung xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị. Quy hoạch và xây dựng các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của các vùng sinh thái đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu về quản lý vùng trồng, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh…..
- Đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ trồng trọt, bảo vệ thực vật các cấp, nhất là cấp cơ sở. Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp kinh tế thị trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nông nghiệp và hợp tác xã, trong đó đặc biệt là đội ngũ quản lý hợp tác xã, thành viên, người sáng lập khởi nghiệp các hợp tác xã nhằm trang bị kiến thức đảm bảo hợp tác xã hoạt động có hiệu quả……
- Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng: Phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu gắn với xây dựng đồng ruộng; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và sử dụng nước hiệu quả; sử dụng nước linh hoạt; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai. Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi kết hợp với giao thông nội đồng; kết nối các vùng sản xuất tập trung với các tuyến giao thông thủy, bộ giữa các vùng đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản; phát triển liên kết hệ thống kho chứa, nhà máy chế biến nông sản, chợ đầu mối.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước: Kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống tổ chức ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật từ trung ương đến địa phương. Xã hội hóa các dịch vụ công về trồng trọt, bảo vệ thực vật để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế chính sách: Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách trồng trọt trên cơ sở Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013; đảm bảo hài hòa với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp.
- Hợp tác quốc tế: Mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để tranh thủ thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành.
- Đánh giá, thanh tra, kiểm tra: Tổ chức kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược, các chương trình, đề án, dự án thường xuyên, định kỳ. Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tiễn. Xây dựng, triển khai kế hoạch, kiểm tra ngành trồng trọt đảm bảo kip thời, chính xác phục vụ cho chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp./.
Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ