Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chương trình mỗi xã một sản phẩm là một chính sách lớn của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị trên cơ sở phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển bền vững tiêu chí thu nhập, tiêu chí tổ chức sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngày 07 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), với mục tiêu: “Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn”.
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2019 phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Đến nay là Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2022 về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025, theo đó tập trung phát triển sản phẩm OCOP tại 06 nhóm ngành, gồm: 1thực phẩm; 2đồ uống; 3thảo dược; 4vải và may mặc; 5lưu niệm - nội thất - trang trí; 6dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Đồng thời, phạm vi triển khai Chương trình được mở rộng tại tất cả các quận – huyện, thành phố Thủ Đức trên địa bàn Thành phố.
Ngày 01 tháng 01 năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn (hiện nay là Chi cục Kinh tế hợp tác) tiếp nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực triển khai Chương trình OCOP (trước đó cơ quan thường trực là Văn phòng Điều phố Nông thôn mới). Chi cục đã phối hợp với các quận, huyện (đặc biệt là các quận, thành phố Thủ Đức) tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện khi có nhu cầu tham gia Chương trình. Qua các lớp tập huấn, có sự tham gia của cán bộ quận, huyện xã phường và doanh nghiệp, Chi cục nhận được nhiều câu hỏi về quy trình, thành phần hồ sơ, cách thức thực hiện. Tuy nhiên nội dung quy định theo Quyết định số 148/QĐ-UBND dài, khó hiểu, không có thời gian nghiên cứu nên khó tiếp cận.
Để góp phần giúp Ủy ban nhân dân các huyện, đặc biệt là các quận và thành phố Thủ Đức tiếp cận và thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg về các bước đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thành phần hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp, chủ thể khi có nhu cầu tham gia Chương trình. Chi cục đã cụ thể hóa quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó, kết quả thực hiện các quận - huyện, thành phố Thủ Đức (đặc biệt là các quận, thành phố Thủ Đức) có nhiều kết quả đáng ghi nhận: Số lượng Ủy ban nhân dân các quận có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao gia tăng so với cùng kỳ năm 2024: Quý 1/2025 có 04 sản phẩm của 4 chủ thể tại quận Tân Phú được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm của 02 chủ thể của Quận 12, quận Bình Thạnh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố thông qua trình Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận sản phẩm 4 sao (03 sản phẩm của Quận 12, 07 sản phẩm của quận Bình Thạnh). Lũy tiến kết quả thực hiện Chương trình tại các quận – thành phố Thủ Đức đến nay đã có 08 quận - thành phố Thủ Đức, gồm: Tân Phú, Bình Tân, Quận 8, 12, 10, Thủ Đức, Gò Vấp (năm 2023 là 02 quận); số lượng chủ thể tại các quận được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cũng gia tăng so với năm 2023: tính đến nay đã có 23 chủ thể trên địa bàn 05 quận (năm 2023 là 02 chủ thể/02 quận).
Kết quả triển khai thực hiện Chương trình toàn Thành phố đến nay, đã công nhận 333 sản phẩm OCOP của 119 chủ thể, trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 254 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao. Lĩnh vực phát triển sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thực phẩm. Hiện tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của Thành phố là rất lớn, với đặc điểm nông nghiệp đô thị, khoa học công nghệ phát triển, thành phố Thủ Đức, 05 huyện và 21 quận của Thành phố đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng phát triển sản phẩm thực phẩm chế biến sâu, sản phẩm có ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; sản phẩm có gắn kết với hoạt động du lịch.
Để đạt được kết quả như trên, việc triển khai thực hiện Chương trình có nhiều thuận lợi như:
- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở ngành là thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố, góp phần đảm bảo việc đánh giá, công nhận sản phẩm đạt chất lượng cao; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định.
- Tại từng cấp quản lý đều có cán bộ đầu mối theo dõi, tham mưu triển khai thực hiện Chương trình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thuận lợi trong việc thông tin, liên hệ, phối hợp thực hiện.
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có sự thích ứng nhanh, nhiệt tình tham gia Chương trình khi được thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa Chương trình; đặc biệt, các chủ thể đã có sản phẩm được công nhận sao luôn nhiệt huyết lan tỏa lợi ích của Chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh mới tham gia.
- Chương trình OCOP được cả nước triển khai rộng rãi, sản phẩm OCOP đang được nhiều người tiêu dùng biết đến.
- Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (trong đó có phát triển sản phẩm OCOP) như: Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cho các hoạt động khuyến công Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những thuận lợi, Thành phố cũng có những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, như:
- Nhận thức về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và quy trình thực hiện OCOP của nhiều chủ thể (doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) còn hạn chế, một số chủ thể sản xuất chưa xác định được mục tiêu, lợi ích trong việc tham gia Chương trình OCOP.
- Việc hoàn thiện hồ sơ sản phẩm của nhiều chủ thể còn lúng túng, một số sản phẩm trước khi tham gia đánh giá mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm chưa đầy đủ như: kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm…; câu chuyện sản phẩm còn đơn giản, chưa gắn kết được với lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tham gia trên các sàn thương mại điện tử vào lĩnh vực nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất nông sản chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là Hợp tác xã khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, chưa nắm bắt rõ quy trình, quy định để giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
- Một trong những tiêu chí để sản phẩm đạt 5 sao là phải gắn với vùng nguyên liệu, tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp, do đó đây cũng là hạn chế của Thành phố để đạt sản phẩm OCOP 5 sao.
Trong thời gian tới, nhằm phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố hiệu quả hơn, một số giải pháp cần được tập trung triển khai như sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp; tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP thường xuyên, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
- Thường xuyên phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ trực tiếp phụ trách Chương trình OCOP trên địa bàn và các chủ thể, các đối tượng có liên quan về mục tiêu, ý nghĩa của việc tham gia Chương trình OCOP, quy trình, hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
- Chủ động rà soát sản phẩm tiềm năng trên địa bàn để đăng ký tham gia Chương trình OCOP./.