Kinh tế hợp tác

Sổ tay hướng dân xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình

Thứ năm, 18/01/2024, 09:00 GMT+7

Sổ tay hướng dân xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình

     Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có sự thay đổi nhanh chóng. Với hơn 20.000 Hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng số Hợp tác xã trên toàn quốc, Hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế nông thôn.

       Các Hợp tác xã nông nghiệp là một mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ngoài ra, nhiều Hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn (như bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, nước sạch và nhiều dịch vụ khác…) với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng. 
     Các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách Nhà nước cho phát triển nông nghiệp nông thôn đều xác định khu vực kinh tế tập thể với các Hợp tác xã là nòng cốt là thành phần kinh tế quan trọng, hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Theo đó, phát triển Hợp tác xã nông nghiệp hướng đến mục tiêu củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động; chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực, địa giới hành chính; chuyển từ đơn chức năng, đơn giá trị sang đa chức năng, đa giá trị; đa dạng về mô hình tổ chức, hoạt động, phù hợp với tính chất và điều kiện đặc thù vùng, miền, địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của thành viên; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; tăng cường liên kết giữa các Hợp tác xã nông nghiệp, qua đó góp phần thành công cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân. 

     Nhằm hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ và nhân rộng các mô hình Hợp tác xã nông nghiệp điển hình, cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 được xác định trong Nghị quyết số 106/NQ-CP: “Số lượng Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 60% trong tổng số Hợp tác xã của cả nước; Xây dựng ít nhất 300 mô hình Hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia”, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn biên soạn Sổ tay “Hướng dẫn xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình” nhằm hướng dẫn địa phương triển khai các bước lập kế hoạch hỗ trợ, triển khai, đánh giá và nhân rộng các mô hình Hợp tác xã nông nghiệp điển hình tại địa phương. Sổ tay này được cấu trúc gồm 5 phần: (1) Thông tin chung và các chính sách đang hiện hành trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; (2) Tiêu chí lựa chọn các Hợp tác xã nông nghiệp điển hình; (3) Vai trò của các bên tham gia vào hỗ trợ hợp tác xã; (4) Các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hợp tác xã; (5) Lập kế hoạch hỗ trợ phát triển hợp tác xã; (6) Đánh giá và nhân rộng các mô hình Hợp tác xã điển hình./.
Đính kèm link tài liệu:

https://dcrd.gov.vn/so-tay-huong-dan-xay-dung-mo-hinh-htx-dien-hinh-a592.html

Người viết : Phạm Minh Nhật
Ý kiến bạn đọc