Ngày 16 tháng 4 năm 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 2606/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2025.
Theo Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết: qua báo cáo đánh giá thực hiện Chỉ thị 29 của Ban bí thư và Quyết định 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030, cho thấy công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như điều kiện lao động đã từng bước được cải thiện, số mẫu đo vượt tiêu chuẩn cho phép có xu hướng giảm, số người được khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp tăng. Cả nước hiện có 107 phòng khám bệnh nghề nghiệp; khoảng 30 tỉnh, thành phố đã thực hiện khám phát hiện được 31/35 bệnh nghề nghiệp. Số người lao động được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp hằng năm tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh nơi làm việc góp phần cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của chương trình
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, y tế lao động, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến yếu tố lao động cho người lao động.
Vai trò của các đơn vị và người lao động, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động. Mỗi đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phát động phong trào thi đua lao động an toàn – sức khỏe – hiệu quả.
Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, mà còn là quyền lợi thiết thực của mỗi người lao động. Mỗi người hãy chủ động tham gia khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ quy trình làm việc an toàn, tích cực trong việc phát hiện và khắc phục những nguy cơ gây hại trong môi trường lao động.
Hưởng ứng Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2025, các đơn vị cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động về việc thực hiện các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Đồng thời tăng cường nghiên cứu đánh giá thực trạng điều kiện lao động và sức khỏe người lao động trong tình hình mới theo đặc thù của từng địa phương, quan tâm tới điều kiện lao động của người lao động trong ngành Y tế, lao động làng nghề, lao động không có hợp đồng lao động.Xây dựng các mô hình phòng chống bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc, tăng cường năng lực đáp ứng phòng chống dịch tại cơ sở lao động đặc biệt đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phối hợp trong công tác thanh tra... Hãy cùng chung tay xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, vì sức khỏe và hạnh phúc của người lao động Thành phố Hồ Chí Minh!