Kinh tế hợp tác và trang trại

Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố

Thứ hai, 14/11/2022, 09:45 GMT+7

Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố

        Ngày 04 tháng 11 năm 2022, Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội trường Thành phố. Tham dự Hội nghị có Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; ông Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố, Văn phòng Thành ủy; đại diện các sở ngành, thành viên Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, Giám đốc, các Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố; thường trực Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức; thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố Thủ Đức; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhận ủy thác; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
       Tại Hội nghị đã thông qua báo cáo tóm tắt tổng kết 20 kết quả triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đã và đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố, trong đó có 04 chương trình cho vay bằng nguồn vốn địa phương (Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay Hỗ trợ giảm nghèo; cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố; cho vay hội viên Hội Cựu chiến binh phát triển kinh tế). Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, tổng dư nợ đạt 7.494,2 tỷ đồng, tăng 7.352,8 tỷ đồng (tăng hơn 80 lần) so với thời điểm mới thành lập và nhận bàn giao các chương trình cho vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân 25,3%/năm, với 155.246 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ là 43,8 triệu đồng/khách hàng. Dư nợ tập trung chủ yếu vào 06 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 99% tổng dư nợ, gồm:
      (1)Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: dư nợ cho vay của chương trình (bao gồm nguồn vốn Trung ương và địa phương) đạt 4.352,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,1% tổng dư nợ, với 95.465 khách hàng. Doanh số cho vay đạt 9.887,6 tỷ đồng với 271.381 lượt khách hàng vay vốn. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện, đã góp phần quan trọng giúp cho trên 321.700 lượt lao động có việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố.
     (2)Chương trình cho vay Hỗ trợ giảm nghèo được Ban Xóa đói giảm nghèo trước đây (nay là Ban Giảm nghèo bền vững) các cấp của Thành phố triển khai thực hiện cho vay trên địa bàn Thành phố kể từ năm 1994. Đến cuối năm 2015 và đầu năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Quỹ Xóa đói giảm nghèo được ủy thác, bàn giao qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố quản lý để thực hiện cho vay đối với  hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố. Sau 6 năm nhận bàn giao, tổng doanh số cho vay đạt 2.937,1 tỷ đồng, với trên 98.650 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo Thành phố được vay vốn. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 1.336,6 tỷ đồng, tăng 1.123,6 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm tỷ trọng 17,8% tổng dư nợ, với 33.130 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo các giai đoạn đang vay vốn. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn thứ hai trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện.
    (3)Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: chương trình được triển khai trên 05 huyện ngoại thành của Thành phố, dư nợ đạt 684,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,1% tổng dư nợ, với trên 39.512 hộ đang vay vốn; doanh số cho vay đạt 2.110,9 tỷ đồng với hơn 171.891 lượt hộ được vay vốn. Với việc vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đã giúp các hộ gia đình trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của Thành phó nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
    (4)Chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất: trong năm 2020 và năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều người lao động mất việc làm, Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Kết thúc đợt giải ngân vào ngày 31 tháng 3 năm 2022, toàn Thành phố đã thực hiện giải ngân cho 458 lượt người sử dụng lao động với số tiền 668 tỷ đồng để trả lương cho 157.461 lượt người lao động. Đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, dư nợ thực hiện toàn Thành phố đạt 578,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,7% tổng dư nợ với 113 khách hàng còn dư nợ. Chính sách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ đến những đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn, giữ chân lao động, tránh thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
    (5)Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: dư nợ cho vay của chương trình đạt 349,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,7% tổng dư nợ, với hơn 10.000 khách hàng đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 1.591,1 tỷ đồng với hơn 117.775 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và Thành phố nói riêng.
     (6)Chương trình cho vay Nhà ở xã hội: từ năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giao vốn để triển khai thực hiện chương trình cho vay Nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ trên địa bàn Thành phố. Tổng doanh số cho vay đạt 150,4 tỷ đồng với 311 lượt khách hàng được vay vốn. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 122,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,6% tổng dư nợ với 295 khách hàng đang vay vốn. Chương trình đã hỗ trợ cho một số người thu nhập thấp, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang… trên địa bàn Thành phố có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
      Các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội nên đã đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực sinh động, được cấp ủy, chính quyền cơ sở, đông đảo nhân dân, nhất là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách ghi nhận.

Ông Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc

 
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Dương Anh Đức – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố phát biểu kết luận tại Hội nghị

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc