Kinh tế hợp tác và trang trại

Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025

Thứ sáu, 21/10/2022, 09:10 GMT+7

Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
giai đoạn 2022-2025

        Ngày 29/9/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định 3685/QĐ-BNN-KTHT về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025

  1. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch

Hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 . Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, Ocop, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…); đào tạo nhằm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.

  1. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, cả nước phấn đấu đào tạo nghề cho 910.400 lao động nông thôn làm nông nghiệp, tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Qua đó, hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.

Đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

  1. Định hướng ngành nghề đào tạo

Đào tạo các nghề để thực hiện các Chương trình MTQG; các chương trình, đề án mà ngành nông nghiệp và PTNT chủ trì.

Đào tạo nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” cho các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị marketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh doanh nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; marketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và giám đốc HTX nông nghiệp.

Đối với các nghề Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng khung chương trình, giáo trình giai đoạn trước đề nghị các địa phương tiếp tục kế thừa, cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, chế biến mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

  1. Tổ chức thực hiện

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai kế hoạch và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện; theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch. Xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó, ưu tiên đầu tư các trang thiết bị, hạ tầng và kinh phí cho các cơ sở để phục vụ công tác đào tạo nghề nông nghiệp.

Huy động lực lượng tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi, nghệ nhân, thợ giỏi và lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp để tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo, đài của địa phương xây dựng, duy trì, cập nhật chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn.

Các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần chủ động ra soát và xây dựng các chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi an toàn, các nghề dịch vụ nông nghiệp. Khảo sát nhu cầu học tập nghề của lao động nông thôn, tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề đảm bảo theo chương trình đơn đặt hàng đã được phê duyệt. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hình thức bắt tay chỉ việc, đào tạo thực hành là chính, đào tạo tại nơi sản xuất. Tổ chức linh hoạt các hình thức đào tạo từ trực tiếp, sang trực tuyến, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo giáo dục nghề nghiệp các trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Người viết : Hoàng Anh Tiến
Ý kiến bạn đọc