Kinh tế hợp tác và trang trại

Kế hoạch số 2784/KH-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2023 của UBND TP.HCM về Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025

Thứ hai, 10/07/2023, 08:59 GMT+7

Kế hoạch số 2784/KH-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025
*****

     Ngày 23 tháng 6 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 2784/KH-UBND về Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó, Kế hoạch bao gồm một số nội dung trọng tâm sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
     Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới:
- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 90% hồ sơ công việc cấp Thành phố, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
- 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; phấn đấu 100 % số xã đạt chuẩn tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên.
- 40% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiêu chí hình ảnh điểm du lịch của huyện được quảng bá thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội; 40% huyện đạt tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 .
- Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
b) Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: 
Phấn đấu 100% xã có các hợp tác xã, 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 70% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
c) Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: 
Có ít nhất 50 % đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
d) Xây dựng và triển khai một mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh nổi trội nhất (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn ...).
III. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
2. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới
3. Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn
4. Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới
5. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số
6. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách
7. Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh
8. Huy động nguồn lực triển khai chương trình
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ:
- Rà soát nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo với nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch thực hiện các Chương trình chuyên đề khác và các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở ngành có liên quan biên soạn, chuyển tải nội dung, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở với từng đối tượng được tập huấn. Hàng năm, tổ chức các lớp, các đợt tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho từng đối tượng cụ thể.
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ huy động các cơ quan, tổ chức khoa học công nghệ, hiệp hội ngành nghề tham gia đào tạo, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số cho cán bộ và người dân.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận các công cụ, giải pháp, phần mềm, nền tảng số cùng với hình thức thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
- Tích hợp các phần mềm liên quan Bản đồ số hóa của các đơn vị thuộc Sở đang thực hiện.
- Theo dõi, giám sát, tổng hợp và định kỳ báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành dân Thành phố việc triển khai thực hiện Chương trình; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình nếu cần thiết; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình.
- Tổng hợp nguồn vốn và nội dung thực hiện hàng năm và cả giai đoạn của các đơn vị, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch./.

Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc