Kinh tế hợp tác và trang trại

Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030

Thứ hai, 24/07/2023, 11:01 GMT+7

KẾ HOẠCH
Triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 
nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030
(theo Kế hoạch số 2043/KH-SNN ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

     Ngày 18 tháng 7 năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hành Kế hoạch số 2043/KH-SNN về triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Trong đó Kế hoạch đã đưa ra những mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ cần thực hiện để hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp đến năm 2023 cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU 
1. Mục tiêu
a) Tổng quát
Phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hợp tác xã tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của hộ thành viên trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ. Nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống các thành viên, hộ gia đình; thu hút tất cả nông dân, hộ gia đình, cá nhân, nhiều tổ chức tham gia mô hình kinh tế tập thể.
b) Cụ thể
- Hàng năm, vận động thành lập mới từ 3 - 5 hợp tác xã nông nghiệp (sau đây viết tắt là HTX nông nghiệp).
- Tỷ lệ HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm 70 - 85% tổng số HTX đang hoạt động.
- Thu hút thêm nhiều lao động làm việc tại các HTX nông nghiệp.
- Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.
- Xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hiệu quả để nhân rộng và phát triển.
- Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động.
2. Mô hình HTX cần tập trung phát triển
- Hình thành các HTX có quy mô sản xuất lớn thông qua hình thức sát nhập các HTX hoạt động không hiệu quả thành một HTX có quy mô sản xuất lớn; liên kết với các doanh nghiệp, công ty, chủ trang trại và nhiều thành phần lao động trong xã hội tham gia là thành viên HTX.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các HTX, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
- Tăng cường liên kết giữa HTX và các doanh nghiệp trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm. Cụ thể:
+ Doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, đầu vào sản xuất cho các thành viên HTX và đảm bảo đầu ra của sản phẩm cho các thành viên 
hợp tác xã. Doanh nghiệp tham gia vào suốt quá trình sản xuất - kinh doanh của HTX.
+ Các HTX trên địa bàn Thành phố liên kết với doanh nghiệp, các thành viên, HTX ở các tỉnh, thành phố lân cận tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong chuỗi cung ứng hàng hóa, các HTX, doanh nghiệp Thành phố cần tập trung phát triển tại địa bàn giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng và giai đoạn cuối của chuỗi cung ứng. Giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến nên tập trung phát triển ở các tỉnh, thành phố lân cận. Các HTX, doanh nghiệp ở Thành phố tập trung phát triển logistic và thị trường tiêu thụ.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN 
1. Giao Chi cục Phát triển nông thôn 
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về HTX 
nông nghiệp, mở các chuyên san/chuyên trang/chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh,…), xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về HTX nông nghiệp. Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với thi đua khen thưởng trong thực hiện mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu tiên HTX nông nghiệp được vay vốn và được hưởng lãi suất tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với các HTX nông nghiệp; đặc biệt là HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành viên HTX được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với khung mức phí thấp nhất.
- Củng cố và phát triển các THT, HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.  
- Tổ chức các chuyến khảo sát, học tập mô hình kinh tế tập thể, liên kết 
sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tại các tỉnh, thành cho nông dân và thành viên HTX, Ban quản lý HTX giao lưu, học tập và áp dụng (chú trọng học tập cách thức vận hành, quản lý HTX của Ban giám đốc HTX).
- Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mẫu, tiên tiến, hiệu quả làm cơ sở tham quan, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. 
- Phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Thúc đẩy các chương trình tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tuyên truyền hỗ trợ cho các HTX sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc số hóa, tạo lập dữ liệu của đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, giám sát cung, cảnh báo dịch bệnh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX.
- Ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các HTX đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố với chế độ đãi ngộ theo quy định của Thành phố.
2. Giao Chi cục Thủy lợi: Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, xây dựng và nâng cấp hệ thống phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp Thành phố phát triển.
3. Giao Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp
- Xây dựng website, logo, thương hiệu; thiết kế bao bì, các ấn phẩm quảng bá sản phẩm cho các THT, HTX.
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại (Chợ phiên Nông sản an toàn Thành phố; Hội chợ - triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố; Hội chợ - triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, OCOP; Festival Hoa lan Thành phố; Tuần lễ Sinh vật cảnh Thành phố); hỗ trợ địa phương tổ chức đường hoa, chợ hoa tết và các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản (đường hoa mai vàng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh; chợ Hoa xuân huyện Củ Chi; tham gia giới thiệu triển lãm sản phẩm OCOP, chủ lực và tiềm năng Thành phố và các tỉnh thành trong hoạt động Lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ; Hội chợ - triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân Thành phố tổ chức); triển lãm sản phẩm cho nông dân giới thiệu sản phẩm chủ lực và OCOP theo hình thức trực tiếp, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin (do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở ban ngành, trung ương, địa phương tổ chức tại các hội nghị Thành phố, tổng kết ngành); tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành (tham gia Hội chợ - triển lãm sản phẩm làng nghề, OCOP do Sở ban ngành, Bộ, ngành, Trung ương, địa phương tổ chức tại Thành phố hoặc các tỉnh, thành phía Bắc; tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế AgroViet).
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo giao lưu, kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị chuyên đề “Kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi thực phẩm an toàn” kết hợp giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi an toàn thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố và sản phẩm OCOP, các mô hình nông nghiệp đô thị.
4. Giao Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông
- Cung cấp cho các HTX nông nghiệp giống cây, giống con, giống nấm,... chất lượng tốt, chuyển giao quy trình công nghệ, đào tạo tập huấn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho cán bộ, thành viên của HTX.
- Ưu tiên lựa chọn các HTX, thành viên HTX tham gia tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,... phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển khoa học công nghệ Thành phố. 
5. Giao Phòng Khoa học và Công nghệ: Tham mưu Sở tăng cường các chương trình hợp tác trong nước và nước ngoài 
6. Giao Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp: Hỗ trợ cho các thành viên HTX được tham gia các chương trình đào tạo dạy nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. 
III. XÂY DỰNG, TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN, MÔ HÌNH, KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2030
1. Xây dựng mô hình chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giữa các doanh nghiệp và các HTX: Phối hợp, hỗ trợ các HTX nông nghiệp của Thành phố tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn (thực hiện theo Kế hoạch phối hợp số 1429/KH-QLCL-ATTPHCM-SNNHCM-DA ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển về hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm sản an toàn, bền vững).
2. Hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia Đề án Chương trình OCOP đến năm 2030: Hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, chủ động trong việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, phát triển sản phẩm và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm (thực hiện theo Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025).
3. Hỗ trợ HTX nông nghiệp chuyển đổi số, tổ chức hoạt động thương mại điện tử đến năm 2030
3.1. Nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các HTX nông nghiệp: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; ứng dụng các giải pháp, nền tảng số cùng với hình thức thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ công cụ phần mềm chuyển đổi số các hoạt động của HTX (thực hiện theo Kế hoạch số 2784/KH-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025).
3.2. Chủ động nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ HTX nông nghiệp tổ chức hoạt động thương mại điện tử, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt hoạt động truyền thông chính sách, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển thương mại điện tử; nhận thức đầy đủ về xu thế tất yếu, thách thức và cơ hội của thương mại điện tử.
- Huy động các nguồn lực từ Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành, địa phương có liên quan, kết nối các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ HTX tổ chức hoạt động thương mại điện tử; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua chuyển đổi số (tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng website có chức năng thương mại điện tử,…), ứng dụng các công cụ thanh toán trực tuyến và các chức năng thương mại điện tử khác.
- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của hoạt động thương mại điện tử.
4. Triển khai một số chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số
4.1. Chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2021 về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố 
Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025)
4.2. Chính sách hỗ trợ HTX phát triển kinh tế tuần hoàn (Lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX phát triển kinh tế tuần hoàn trong phạm vi triển khai Đề tài đề xuất các mô hình kinh tế tuần hoàn cho các xã xây dựng nông thôn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt)./.

Người viết : Lê Công Hậu
Ý kiến bạn đọc