Kinh tế hợp tác và trang trại

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các hợp tác xã nông nghiệp

Thứ tư, 27/10/2021, 10:34 GMT+7

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các hợp tác xã nông nghiệp

 

Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi quan trọng, chuyển hướng sang phục vụ phát triển kinh tế thành viên, theo đúng bản chất, nguyên tắc của hợp tác xã là vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa mang ý nghĩa xã hội. Khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã ngày càng tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, phát triển thêm các dịch vụ cung cấp cho nhu cầu xã hội, góp phần phát triển đời sống văn hóa và tăng cường đoàn kết cộng đồng.

Các hợp tác xã nông nghiệp có tính chất đặc thù: hoạt động dựa trên các đặc tính sinh học của cây trồng, vật nuôi, phụ thuộc vào diễn biến của thời tiết, khí hậu và thị trường đầu ra của sản phẩm; do đó cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các hợp tác xã, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực của hợp tác xã. Đồng thời, nhận thấy nguồn nhân lực là nhân tố hàng đầu quyết định hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, Trung ương đã ban hành các nội dung chỉ đạo cụ thể như sau:

- Ngày 20 tháng 11 năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Hợp tác xã, theo đó tại khoản 1, Điều 6 – Chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước có nội dung: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”.

- Ngày 21 tháng 11 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã, theo đó tại khoản 1, Điều 24 – Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”.

- Ngày 09 tháng 3 năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 70-KL/TW về Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, theo đó, tại điểm 4, mục II – Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới: “....Thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các hợp tác xã”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các hợp tác xã nông nghiệp tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành, điều kiện môi trường làm việc khó khăn, khó thu hút được lao động ở mọi trình độ khi không có cơ chế hỗ trợ. Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hợp tác xã nông nghiệp, cụ thể như sau:

- Giai đoạn 2006 – 2010, triển khai Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân Thành phố (hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học là 0,8 triệu đồng/cán bộ/tháng, hỗ trợ tối đa 02 cán bộ/hợp tác xã) với 88 lượt cán bộ trong đó có 11 hợp tác xã được nhận kinh phí hỗ trợ là hơn 200 triệu đồng.

- Giai đoạn 2013 - 2015, triển khai Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố và Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học và bổ sung đối tượng được hỗ trợ đối với cán bộ có trình độ cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố  (hỗ trợ 1,2 triệu đồng/cán bộ có trình độ đại học, 0,8 triệu đồng/cán bộ có trình độ cao đẳng; hỗ trợ tối đa 02 cán bộ/ hợp tác xã) với 117 lượt cán bộ trong đó có 33 hợp tác xã được nhận kinh phí hỗ trợ là 1.540,8 triệu đồng.

- Năm 2017, nhận thấy sự cần thiết để tiếp tục duy trì chính sách trên, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cho giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 – 2020 (hỗ trợ 1,2 triệu đồng/cán bộ có trình độ đại học, 0,8 triệu đồng/cán bộ có trình độ cao đẳng; hỗ trợ tối đa 02 cán bộ/ hợp tác xã). Từ ngày 01 tháng 8 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, ngân sách Thành phố đã hỗ trợ 30 lượt cán bộ (26 lượt cán bộ có trình độ đại học, 04 lượt cán bộ có trình độ cao đẳng)/15 lượt hợp tác xã với tổng kinh phí hỗ trợ là 324.400.00 đồng.

- Năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2020 phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đai học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, đã hỗ trợ cho 03 cán bộ của 02 hợp tác xã với tổng kinh phí hỗ trợ là 145.860.000 đồng.
Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc