Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ sáu, 13/10/2023, 10:06 GMT+7

Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

     Sáng ngày 06 tháng 10 năm 2023, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.
     Chủ trì Hội thảo gồm: Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh và Ông Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.
     Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu cơ quan trung ương có: Ông Nguyễn Anh Duyên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; PGS.TS Phạm Văn Dư, Nguyên Phó cục Trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về phía các sở ban ngành có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Gia Lai, Ninh Thuận, Kontum, Phú Yên; đại diện lãnh đạo các Khu Công nghệ cao tỉnh Phú Yên, Đăk Nông, Hậu Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp. Về phía các Trung tâm, Viện nghiên cứu có: Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra còn có các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp, các giảng viên, nghiên cứu viên, biên tập viên của các các trường đại học, các trung tâm và viện nghiên cứu, các tạp chí khoa học và phóng viên các báo, đài tham dự Hội thảo.
     Tại Hội thảo, ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng Ban - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo thực trạng nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, với một số điểm chính như sau:
Từ năm 2004, Thành phố đã cho thành lập Khu Nông nghiệp Công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (88,17 ha tại Củ Chi) và Trung tâm Công nghệ sinh học (23 ha tại Quận 12) với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với sự phát triển nhanh và năng động của một đô thị đứng đầu cả nước. Tháng 8 năm 2013, Trại Trình diễn và Thực nghiệm Chăn nuôi Bò sữa Công nghệ cao (10 ha tại Bình Chánh) chính thức được đưa vào hoạt động tiếp tục tạo dấu mốc mới trong nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Theo định hướng và quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập sâu với thế giới. Hiện nay Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đang được giao triển khai các dự án đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ 90 ha; Dự án mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; Dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành chăn nuôi 200 ha tại huyện Củ Chi; Dự án đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành trồng trọt, chế phẩm sinh học 200 ha tại huyện Củ Chi. Bên cạnh đó, Thành phố đang xây dựng đề án quy hoạch các khu vực, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, trong đó hạt nhân là các Khu nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố cũng dự kiến ban hành đề án phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó có mục tiêu tạo sự gắn kết giữa các Khu nông nghiệp công nghệ cao với các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
     Xác định tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt các chương trình sau: Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 6150/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016); Chương trình Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp (Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2019); Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghê cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 (Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2021). Mục tiêu của các chương trình này là nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn; nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao một cách toàn diện nhằm dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của thành phố và khu vực theo hướng hiện đại, phục vụ sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường. Thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
     Tại Hội thảo, Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 như sau:
     - Về định hướng: ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, tiên tiến để phục vụ nghiên cứu, chọn tạo sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản năng suất cao và thích nghi tốt với điều kiện môi trường thay đổi, chịu mặn, biến đổi khí hậu, sản xuất được sản phẩm chất lượng cao và phát triển sản phẩm nông nghiệp, an toàn, tăng năng suất, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp Thành phố là nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
     - Về mục tiêu: nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp Thành phố, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường./.

Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo; Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Toàn cảnh Hội thảo

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc