Kinh tế hợp tác

Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022

Thứ sáu, 15/07/2022, 14:49 GMT+7

Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022

Căn cứ Quyết định số 1888/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành về kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch số 1531 ngày 29 tháng 6 năm 2022 về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

- Tập trung theo dõi sát tình hình, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các hợp tác xã (HTX) để kịp thời phối hợp với các Sở, ngành đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ, giúp HTX khôi phục và thích ứng sản xuất trong điều kiện mới.

- Góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX đang hoạt động có hiệu quả, giữ vững xếp loại hoạt động tốt, phấn đấu hàng năm củng cố và nâng chất một số hợp tác xã hoạt động trung bình, yếu sang hoạt động tốt, khá[1].

- Giải thể dứt điểm các hợp tác xã đã ngưng hoạt động, hướng dẫn chuyển đổi đăng ký kinh doanh đối với các hợp tác xã có giấy đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực tế đã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ…

- Khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, trong đó: ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

- Khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của thành phố như: rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra.

- Tập trung phát triển các tổ hợp tác gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố: rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản…, đồng thời, khuyến khích tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả chuyển thành hợp tác xã.

- Hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, chú trọng vào đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

- Hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm (ưu tiên sản phẩm chủ lực hoặc sản phẩm OCOP) theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Hỗ trợ hướng dẫn giải quyết khó khăn cho các HTX, tổ hợp tác (THT), hộ nông dân sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: tổ chức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm dưới hình thức thương mại điện tử để tạo điều kiện cho HTX có thể quảng bá tiêu thụ sản phẩm ổn định, bên cạnh đó, thực hiện biện pháp giãn nợ kéo dài thời gian đáo hạn nợ vay sản xuất kinh doanh của HTX, THT... nhằm giúp HTX, THT có thể ổn định và tái đầu tư sản xuất khi tình hình dịch ổn đinh để khuyến khích mở rộng phát triển mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả trong thời gian tới.

- Hỗ trợ, khuyến khích hộ nông dân tham gia liên kết với nhau thành lập HTX và góp vốn vào HTX đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn đối với các sản phẩm đầu vào (giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản,..), nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ HTX cung ứng số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ các hợp tác xã phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Hỗ trợ các hợp tác xã hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân gắn với chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ.

- Tổ chức khen thưởng kịp thời cho các HTX hoạt động có hiệu quả, mô hình giải pháp tốt hỗ trợ phát triển HTX của các các tổ chức, cá nhân.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX

Giao Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các đơn vị thuộc Sở, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện:

- Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức
kinh tế tập thể liên quan cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về tổ chức kinh tế tập thể; hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với các quy định hiện hành.

- Thông tin tuyên truyền, tập huấn về Luật hợp tác xã, mục đích ý nghĩa, nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác xã cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân tại các quận, huyện (bằng các hình thức như: tập huấn, biên soạn cẩm nang, tờ rơi, hội nghị, cuộc thi, mở các chuyên san, chuyên mục, phim phóng sự, phim truyền hình, khảo sát học tập mô hình, hội thảo...).

2. Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp

Giao Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện:

- Đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc áp dụng đối các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan theo lĩnh vực, ngành.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2015, trong đó, ưu tiên hỗ trợ đối tượng là hợp tác xã, thành viên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Phới hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu, danh mục và dự toán kinh phí về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các đối tượng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

- Tham mưu đề xuất các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và các chính sách liên quan khác.

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp

Giao Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện, các đơn vị có liên quan thực hiện:

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước về HTX tại các Sở, ngành, quận - huyện, xã - phường.

- Tổ chức cho cán bộ quản lý nhà nước khảo sát, học tập các mô hình quản lý HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả tại các tỉnh, thành.

- Hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện, xã xây dựng các chuyên đề về giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương.

4. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm                     

a) Giao Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chủ trì phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện:

         - Xây dựng thương hiệu và thông tin quảng bá:

+ Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm (logo, nhãn hiệu, ấn phẩm quảng bá, website); thiết kế và nâng cấp website cho các nông hộ, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong chương trình Mỗi nhà nông một website.

+ Biên soạn phát hành danh mục thông tin hoa cây kiểng nhằm tạo cơ hội tìm kiếm, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.

+ Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá các chủ trương, chính sách, các hoạt động nổi bật, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao của Thành phố trong chương trình truyền hình về nông nghiệp.

- Khảo sát học tập mô hình xúc tiến thương mại: triển khai các chuyến khảo sát, học tập thực tế đến các đơn vị, mô hình đã và đang triển khai hiệu quả về định hướng thị trường, có hệ thống quản lý nội bộ tốt, ứng dụng công nghệ cao và kênh phân phối đa dạng để học tập, lắng nghe chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm thực tiễn.

- Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:

+ Tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm cho nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham dự giao lưu liên kết sản xuất - tiêu thụ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần hình thành tổ liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

+ Tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm do các sở, ban ngành, tỉnh, thành và Trung ương tổ chức (Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2022, Triển lãm giới thiệu sản phẩm cho nông dân, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2022,…), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến người tiêu dùng; cập nhật xu hướng phát triển ngành nông nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

+ Hỗ trợ các hợp tác xã hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân gắn với chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ.

- Hỗ trợ chứng nhận VietGAP: hỗ trợ chứng nhận và giám sát đánh giá chứng nhận VietGAP cho các nông hộ, HTX, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức tư vấn chứng nhận sản phẩm OCOP: hỗ trợ tư vấn chứng nhận sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức đào tạo, huấn luyện: Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến các chuyên đề nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho HTX, doanh nghiệp nông nghiệp “Kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số, khai thác thông tin thị trường trong nông nghiệp, kỹ năng phân tích và xây dựng chuỗi giá trị nông sản, kỹ năng huy động các nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tập huấn các chuyên đề về Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, Liên minh quốc gia khác trong lĩnh vực nông nghiệp,…”  nhằm bổ sung kiến thức, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX kiện toàn nguồn nhân lực trong quản lý, vận hành, tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

b) Giao Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện triển khai thực hiện: hỗ trợ liên kết các tuyến/tour du lịch hiện có trên địa bàn Thành phố với việc trải nghiệm sản xuất tại các hợp tác xã, đặc biệt, là trải nghiệm sản xuất tại các hợp tác xã sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, hợp tác xã hoa cây kiểng, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

5. Hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ

a) Giao Trung tâm Khuyến nông chủ trì phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện:

- Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cho HTX, thành viên HTX để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

- Ưu tiên lựa chọn các HTX, thành viên HTX tham gia tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,... phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển khoa học công nghệ đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, hiện đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện.

- Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền các cơ chế chính sách khuyến nông với các chủ trương, chính sách của ngành như: sản xuất có trách nhiệm, an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, giới thiệu các mô hình theo chuỗi giá trị sản phẩm thông qua nhiều hình thức như tập huấn, tham quan, hội thảo, phát hành tài liệu kỹ thuật, các chuyên mục phát thanh kết hợp với truyền thông số (trang thông tin điện tử khuyến nông, mạng xã hội,…) nhằm đảm bảo thông tin thường xuyên, liên tục đến nông dân trên địa bàn Thành phố.

- Bước đầu tiếp cận xây dựng các hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất như: tập trung tập huấn hỗ trợ khởi nghiệp, quản trị, kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, sàn giao dịch thương mại,…cho các HTX, thành viên HTX có nhu cầu.

b) Giao Trung tâm Công nghệ sinh học chủ trì phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản: tăng cường hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo công nghệ sinh học, công nghệ chuyển đổi gen, nuôi cấy mô tế bào, lai hữu tính chất lượng cao (theo Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố).
 

[1] Tiêu chí đánh giá HTX thực hiện theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Người viết : Lê Công Hậu
Ý kiến bạn đọc