Kinh tế hợp tác

Chương trình Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư, 10/01/2024, 08:50 GMT+7

Chương trình Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

     Ngày 29 tháng 12 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 6002/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chương trình này nhằm giúp phát triển nông nghiệp gắn với mực tiêu nâng cao chất lượng đô thị, phù hợp với chiến lược quy hoạch của cả nước, vùng Đông Nam Bộ và Thành phố; phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh, gắn với phát triển đô thị thông minh, đô thị sinh thái; Phát huy hiệu quả vai trò hạt nhân trong liên kết vùng và sự phân công lao động của khu vực và cả nước; hệ thống cơ chế, chính sách phải đủ mạnh, có tác dụng hỗ trợ, dẫn dắt phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh, bền vững; nông dân, doanh nghiệp là chủ thể, là nguồn lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. 
   muoi_thieng_lieng.png

Hình: Một số sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã muối Thiềng Liềng 

Thông qua các nhiệm vụ, giải pháp, hỗ trợ nêu trong Chương trình, thành phố phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được một số chỉ tiêu: 
     1. Tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 2%/năm và giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 2-2,5%/năm. 
     2. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản;
     3. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm. 
     4. Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt 5,5 - 6%/năm; Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất canh tác nông nghiệp đến năm 2030 đạt 850-1.000 triệu đồng/năm. 
     5. Tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%.
     6. Phấn đấu trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
     7. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất tiêu thụ dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 40%.
     8. Thành phố có 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4 - 5 sao.
     9. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,24%.
    10. Thu nhập của người dân nông thôn so với năm 2020 tăng 2,5 - 3 lần.
    Đáng chú ý, Thành phố sẽ tập trung phát triển theo hướng trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị; tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp các vùng, các khu vực và cả nước phát triển.
     Để đạt được những mục tiêu đó, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình trong thời gian tới, cụ thể:
     1. Phân bố không gian phát triển nông nghiệp phù hợp với quy hoạch Thành phố.
     2. Chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp truyền thống, hiệu quả thấp sang cơ cấu sản xuất nông nghiệp đô thị, hiệu quả cao.
     3. Tổ chức sản xuất hiệu quả sản phẩm chủ lực và tiềm năng.
     4. Phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
     5. Thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sảng kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá sang tăng trưởng đa giá trị.
     6. Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
     7. Phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị.
     8. Phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
     9. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp và nông thôn./.

Quyết định số 6002/QĐ-UBND

Phụ lục QĐ_6002

Người viết : Phạm Minh Nhật
Ý kiến bạn đọc