Kinh tế hợp tác và trang trại

Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023

Thứ sáu, 10/02/2023, 15:34 GMT+7

Kế hoạch thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm Chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (Theo Kế hoạch số 162/KH-SNN ngày 01 tháng 02 năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
*****

     Căn cứ Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-SNN ngày 01 tháng 02 năm 2023 về Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm Chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, cụ thể như sau:
     I. MỤC ĐÍCH
     -Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các nhiệm vụ tổ chức sự kiện, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa kênh tiêu thụ, phát triển đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị thị trường nhằm phát triển nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của ngành Nông nghiệp Thành phố, sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, đồng thời gắn liền việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
     -Phát triển nông nghiệp gắn với thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của Thành phố thông qua hoạt động đào tạo, hội thảo, diễn đàn trên nền tảng công nghệ số, xây dựng thương hiệu, tư vấn chứng nhận sản phẩm, chứng nhận OCOP, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm.
     -Liên kết, hợp tác trong các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa ổn định, an toàn, chất lượng đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.
     II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
     -Ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác thị trường, tạo các chuỗi liên kết vùng nhằm khai thác các nhóm thị trường tiềm năng. Kết hợp các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản.
     -Tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp Thành phố và sản phẩm OCOP (cấp huyện, cấp Thành phố), sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp, đặc sản vùng miền, triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng. 
     -Phối hợp thực hiện với các cơ quan, sở ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Hiệp hội Ngành nghề Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Viện, Trường và các đơn vị có liên quan trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, đào tạo và tập huấn, hội nghị - hội thảo, khảo sát học tập mô hình sản xuất nông nghiệp trong Thành phố và các tỉnh, thành. 
     III.NỘI DUNG NHIỆM VỤ 
     1.Xúc tiến thương mại và chuyển đổi số
     a)Hoạt động tổ chức sự kiện và xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản kết hợp chuyển đổi số các cơ sở, kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp.
     -Triển khai có hiệu quả các hoạt động sự kiện hội chợ, triển lãm nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP ngành nông nghiệp, để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Thông qua các hoạt động cụ thể gồm: tổ chức Đường hoa mai vàng xã Bình Lợi huyện Bình Chánh và Chợ hoa xuân huyện Củ Chi năm 2023 trong dịp Tết Nguyên đán Quý mão năm 2023; Hội chợ triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông lâm thuỷ sản, sản phẩm VietGAP, OCOP, sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp năm 2023; Tuần lễ Sinh vật cảnh Thành phố; Triển lãm sản phẩm cho nông dân giới thiệu sản phẩm chủ lực và OCOP (triển lãm Tổng kết ngành; tham gia sự kiện do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo; tham gia Hội chợ - Triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân Thành phố tổ chức); Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế; Hội thi Trái ngon An toàn Nam bộ; Chợ phiên nông sản An toàn Thành phố; Tham gia giới thiệu triển lãm sản phẩm OCOP, chủ lực và tiềm năng Thành phố và các tỉnh trong hoạt động Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ; Tham gia Hội chợ - Triển lãm sản phảm làng nghề, OCOP do Sở ban ngành, Bộ ngành, Trung ương, địa phương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố hoặc các tỉnh, thành phía Bắc. 
     -Tổ chức các hội nghị (hội thảo, diễn đàn) kết hợp trưng bày sản phẩm, mô hình nông nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
     b)Hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số
     -Phát triển các chuỗi sự kiện truyền thông, video clip quảng bá sản phẩm nông nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nắm bắt cơ chế, chính sách trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến rộng rãi người dân, giúp cho tăng sự nhận biết về thương hiệu, góp phần tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm. 
     -Tập huấn trực tuyến các chuyên đề về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
     -Trang bị hạ tầng hệ thống trực tuyến phần mềm công nghệ, máy móc, thiết bị khác phục vụ công tác đào tạo, hội thảo trực tuyến, phục vụ hoạt động chuyên môn.
     2.Nâng cao năng lực cung ứng
     a)Hoạt động tư vấn nông nghiệp
     -Phối hợp các địa phương tổ chức tư vấn và hỗ trợ sản phẩm OCOP, tư vấn sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu…; hỗ trợ bảo hộ thương hiệu giống và sản phẩm nông sản; hỗ trợ xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc.
     -Tư vấn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp.
     -Hỗ trợ thực hiện các mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
     b)Kết nối thị trường
     -Tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; hội thảo chuyên đề chương trình khuyến nông tại các địa phương.
     -Hoạt động thu thập thông tin, điều tra giá cả thị trường nông sản.
     -Xây dựng danh mục thông tin sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP; điều tra, nghiên cứu, phát triển thị trường trực tiếp tại cơ sở và theo hình thức điều tra trực tuyến.
     -Duy trì hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp đảm bảo hiệu quả hoạt động lưu trữ, xử lý dữ liệu phục vụ các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm, chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
     c)Xây dựng thương hiệu
     -Tập huấn các chuyên đề về nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, hiệp định thương mại, kinh tế quốc tế theo phương thức truyền thống và trên nền tảng công nghệ số.
     -Xây dựng, nâng cấp trang thông tin điện tử các cơ sở; duy trì hệ thống thông tin thị trường nông sản, tên miền, máy chủ các trang thông tin điện tử chuyên ngành.
     -Hỗ trợ quảng bá, truy xuất thông tin, bảng hiệu các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, sản phẩm chủ lực, OCOP; thực hiện truyền hình, phóng sự phát sóng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp; thực hiện phát sóng các phóng sự Chương trình truyền hình về nông nghiệp Thành phố.
     -Phối hợp các địa phương thực hiện khảo sát, hỗ trợ thiết kế logo, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế và in ấn các ấn phẩm, thiết kế trang thông tin điện tử thuộc Chương trình mỗi nhà nông một website (xây dựng mới, hoặc nâng cấp trang thông tin điện tử hiện có); thực hiện cổng chào (bảng hiệu, bảng chỉ dẫn) các vùng trồng nguyên liệu kết hợp du lịch sinh thái (vùng trồng mai, sản phẩm chủ lực) tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
     -Hoạt động tập huấn và đào tạo các chuyên đề.
     3.Hoạt động liên kết vùng
     -Thực hiện các chương trình hợp tác vùng, các tỉnh thành trong cả nước thông qua hoạt động hội nghị tổng kết vùng, ký kết các chương trình hợp tác năm và giai đoạn; kết hợp tham gia các hoạt động bên lề như hội chợ, triển lãm, tuần lễ sản phẩm vùng miền, kết hợp triển lãm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp, sản phẩm có tiềm năng lợi thế, sản phẩm OCOP tại Thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tổng kết vùng Đông bằng sông Hồng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ duyên hải Nam Trung bộ.
     -Tổ chức các hoạt động liên kết vùng thông qua việc tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ, du lịch kết hợp nông nghiệp, xây dựng thương hiệu trong thành phố và các tỉnh, thành trong nước và quốc tế để học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và tham mưu, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu liên kết sản xuất - tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc