Kinh tế hợp tác

Quyết định số 1396 của Ủy ban Thành phố về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thứ hai, 12/06/2023, 13:41 GMT+7

Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về

Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”
*****

     Ngày 12 tháng 4 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1396/QĐ-UBND về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo đó, Kế hoạch đã xác định một số vấn đề trọng tâm sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Mục đích
     Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hợp tác xã tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của hộ thành viên trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ. Nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống các thành viên, hộ gia đình; thu hút tất cả nông dân, hộ gia đình, cá nhân, nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể. Cụ thể
- Phát triển mới 300 hợp tác xã, 5 liên hiệp hợp tác xã.
- Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm 70%-85% tổng số hợp tác xã.
- Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 5%/năm.
- Tỷ trọng đóng góp vào GRDP Thành phố là 0,5%.
- Thu hút thêm 30.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể.
- Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.
- Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.  
- Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động.
2. Yêu cầu
     Công tác phối hợp phải triển khai tập trung, đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả.
     Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để tăng dần chất lượng hoạt động.
3. Mô hình hợp tác xã cần tập trung phát triển
- Hình thành các hợp tác xã có quy mô sản xuất lớn thông qua hình thức sát nhập các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả thành một hợp tác xã có quy mô sản xuất lớn hơn; liên kết với các doanh nghiệp, công ty, chủ trang trại và nhiều thành phần lao động trong xã hội tham gia làm thành viên hợp tác xã. 
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. 
- Tăng cường liên kết giữa hợp tác xã và các doanh nghiệp vào quá trình sản xuất - kinh doanh tạo thành chuỗi cung ứng. Cụ thể:
+ Doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, đầu vào sản xuất cho các thành viên hợp tác xã và đảm bảo đầu ra của sản phẩm cho các thành viên hợp tác xã. Doanh nghiệp tham gia vào suốt quá trình sản xuất - kinh doanh của hợp tác xã.
+ Các hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với doanh nghiệp, các thành viên, hợp tác xã ở các tỉnh, thành phố lân cận tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong chuỗi cung ứng hàng hóa, các hợp tác xã, doanh nghiệp thành phố cần tập trung phát triển tại địa bàn giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng và giai đoạn cuối của chuỗi cung ứng. Giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến nên tập trung phát triển ở các tỉnh, thành phố lân cận. Các hợp tác xã, doanh nghiệp ở thành phố tập trung phát triển logistic và thị trường tiêu thụ. 
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
Nội dung thực hiện tập trung vào các vấn đề chính sau:
- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn 
- Triển khai thực hiện các chính sách đất đai 
- Triển khai thực hiện các chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 
- Triển khai thực hiện các chính sách tuyên truyền 
- Triển khai thực hiện các chính sách đổi mới công nghệ 
- Triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến 
du lịch, các chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp    
- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp   
- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vệ sinh môi trường   
- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vận tải 
- Đưa ra giải pháp đối với Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
     Riêng đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan để thực hiện các nội dung cụ thể sau:
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã nông nghiệp, mở các chuyên san/chuyên trang/chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh,…), xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về hợp tác xã nông nghiệp. Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với thi đua khen thưởng trong thực hiện mục tiêu phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu tiên hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn và được hưởng lãi suất tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với các hợp tác xã nông nghiệp; đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành viên hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với khung mức phí thấp nhất.
- Tiếp tục tổ chức các phiên chợ nông sản. Xây dựng website, logo, 
thương hiệu; thiết kế bao bì, các ấn phẩm quảng bá sản phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã.
- Xây dựng mô hình chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết.
- Cung cấp cho các hợp tác xã  nông nghiệp giống cây, giống con, giống nấm... chất lượng tốt, chuyển giao quy trình công nghệ, đào tạo tập huấn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho cán bộ, thành viên của hợp tác xã.      
- Củng cố và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.   
- Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, xây dựng và nâng cấp hệ thống phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp thành phố phát triển.
- Thúc đẩy các chương trình tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tuyên truyền hỗ trợ cho các hợp tác xã sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc số hóa, tạo lập dữ liệu của đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, giám sát cung, cảnh báo dịch bệnh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các hợp tác xã.
- Phát triển liên kết hợp tác quốc tế: tăng cường các chương trình hợp tác, trao đổi với các nước phát triển, thu hút vốn và công nghệ tiên tiến, phát triển mở rộng thị trường nông sản cho các hợp tác xã.
- Tổ chức các chuyến khảo sát, học tập mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tại các tỉnh, thành cho nông dân và thành viên hợp tác xã, Ban quản lý hợp tác xã giao lưu, học tập và áp dụng (chú trọng học tập cách thức vận hành, quản lý hợp tác xã của Ban giám đốc hợp tác xã).
- Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mẫu, tiên tiến, hiệu quả làm cơ sở tham quan, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. 
- Phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động thương mại điện tử giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
- Ưu tiên lựa chọn các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã tham gia tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,... phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển khoa học công nghệ Thành phố. 
- Ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố với chế độ đãi ngộ theo quy định của Thành phố; 
hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã được tham gia các chương trình đào tạo dạy nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. 
     Trên địa bàn Thành phố, tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có 98 hợp tác xã đang hoạt động, 02 liên hiệp hợp tác xã, 380 tổ hợp tác. Các tổ chức kinh tế tập thể này đã góp phần rất lớn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, các hợp tác xã nông nghiệp đã và đang phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hoá. Bên cạnh đó, có không ít hợp tác xã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên./.

Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc