Hoạt động Chi Đoàn

Đồng chí Mai Chí Thọ với công tác xây dựng nông thôn

Thứ tư, 13/07/2022, 15:42 GMT+7

ĐỒNG CHÍ MAI CHÍ THỌ VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG NÔNG THÔN

(trong giai đoạn Đồng chí Mai Chí Thọ là Trưởng ban Chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn trực thuộc Thành ủy)

       Cuộc đời cách mạng của đồng chí Mai Chí Thọ gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc và đến khi nhà nước được độc lập, thống nhất, ông lại được Đảng và Nhà nước phân công giữ các chức vụ quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương. Dù ở chức vụ hay cương vị nào, trong thời chiến hay trong thời bình, đồng chí cũng luôn là người sống bình dị, xông xáo, cùng gánh vác nhiệm vụ lớn lao ở miền Nam. Ông là người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên trì đổi mới, mạnh dạn đưa ra những quyết định táo bạo có tầm nhìn chiến lược để giải quyết những vấn đề cấp bách trong tình hình đất nước còn bộn bề khó khăn, thử thách sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. Đặc biệt ông luôn hướng về những người nông dân nghèo khó ở các vùng nông thôn. Trong giai đoạn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm góp phần phục hồi, phát triển nông thôn Thành phố sau những mất mát của chiến tranh.

1. Khái quát về đồng chí Mai Chí Thọ

a) Tiểu sử về đồng chí Mai Chí Thọ

      Tên thật của đồng chí là Phan Đình Đống, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1922 tại khu phố Địch Lễ, phường Nam Vân, thành phố Nam Định. Đồng chí là con trai út trong gia đình có 5 người con của cụ ông Phan Đình Quế và cụ bà Đinh Thị Hoàng.

b) Giai đoạn đồng chí gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh

      Từ năm 1975 đến năm 1976, đồng chí là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định và là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

      Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Phó Bí thư thứ nhất  Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6 năm 1985, đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển sang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 11 năm 1986, đồng chí được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), kết thúc giai đoạn gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò lãnh đạo Thành phố.

      Với cương vị là người lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân    Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đầy khó khăn, phức tạp, đồng chí     Mai Chí Thọ là một trong những nhà lãnh đạo đã khởi xướng, đi đầu và rất kiên định trong sự nghiệp đổi mới đúng quy luật và rất thành công của Thành phố, đã đóng góp tích cực vào thành tựu đổi mới chung của đất nước.

       Khi thôi giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí    Mai Chí Thọ vẫn tiếp tục dành hết trí tuệ, sức lực và với tất cả tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, quý báu vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: về xây dựng Đảng, về phòng chống tham nhũng, về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc... cổ vũ và tích cực tham gia cuộc vận động “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “khuyến học” và các hoạt động xã hội từ thiện. Đồng chí đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết của các gia đình có công với cách mạng, của đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, của các cháu gia đình nghèo hiếu học. Ngày 28 tháng 5 năm 2007, đồng chí từ trần, để lại bao tiếc thương trong lòng nhân dân cả nước.

2. Khái quát chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ trong công tác xây dựng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1976 - 1986[1]

         Hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra đã để lại cho Thành phố Hồ Chí Minh là những vùng đất trắng bạt ngàn, hàng vạn hécta đất bị bỏ hoang hóa tạo thành “vành đai trắng” bao quanh đô thị Sài Gòn cũ. Trên vùng đất hoang ấy còn lại rất nhiều bom trái lép và chi chít hố bom đạn cày xới, bờ bọng, kinh mương bị sạt lở, bồi lắng không còn khả năng canh tác. Theo tài liệu tổng kết tội ác chiến tranh, cứ mỗi hécta đất ở Củ Chi có trên 1.000 hố bom pháo các loại. Những vườn tược, những cánh rừng, xóm làng trơ trụi vì chất độc hóa học, chất độc “màu da cam” trong âm mưu sát hại nhân dân, tiêu diệt màu xanh, phá hoại môi trường sống, hòng ngăn chặn sự tiến công của lực lượng Cách mạng vào  Sài Gòn - thủ đô của chế độ Ngụy quyền. Còn vùng rừng Sác huyện Cần Giờ khoảng thời gian từ năm 1960 mà nhất là từ 1964 - 1970, đế quốc Mỹ đã rải chất độc hóa học nhiều lần với trên 4 triệu gallons, trong đó có 665.666 gallons chất độc màu da cam, 3.453.385 ballons chất độc màu trắng và 49.200 gallons chất độc màu xanh đã làm cho trên 40.000 ha rừng ngập mặn bị hủy diệt hoàn toàn.

         Hậu quả chiến tranh ác liệt ở ngoại thành thật quá nặng nề, đã hủy diệt gần như toàn bộ hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở ngoại thành, tạo thành nhiều vùng trắng rộng lớn, đến gần 100.000 ha đất hoang hóa. Trong đó, đất hoang hóa do chiến tranh tàn phá khoảng 78.000 - 80.000 ha, phần còn lại là diện tích đất ngoại thành bị địch chiếm làm căn cứ quân sự, xây dựng đồn bót. Số đất hoang hóa chủ yếu tập trung ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, các vùng Tây Nam huyện Hóc Môn, Tây Bắc huyện Bình Chánh, vùng bưng 6 xã huyện Thủ Đức (cũ)... Đại bộ phận nông dân ngoại thành trước đây bị tách khỏi ruộng vườn, sống tập trung ở các ấp chiến lược, trong các xã, thị trấn, hoặc trong đô thị Sài Gòn. Đồng chí Mai Chí Thọ, với vai trò là lãnh đạo Thành phố và là Trưởng ban Chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn, đã gánh vác, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh từ một xuất phát điểm như vậy.

       Trong giai đoạn đầu, đồng chí ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngoại thành, và xem đó là vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ở nông thôn, góp phần thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống và lao động giữa nội thành và ngoại thành. Theo đó, đồng chí Mai Chí Thọ đã có nhiều chỉ đạo nhằm phát triển nông thôn   Thành phố như sau:

a) Thủy lợi

      Phát triển thủy lợi ngoại thành theo hướng đa dạng hóa mục tiêu: chống hạn, chống úng, ngăn lũ, ngăn mặn, xổ phèn,… thích hợp theo từng vùng, từng loại đất (đất nhiều loại và địa hình đa dạng), theo từng loại cây trồng, vật nuôi thích hợp mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua các thời kỳ. Đồng chí chỉ đạo Thành phố quan tâm phát triển thủy lợi, xem thủy lợi là biện pháp hàng đầu nên dành phần lớn ngân sách (khoảng 30 - 40%) đầu tư ngoại thành cho công tác thủy lợi. Trong phong trào làm thủy lợi những năm đầu sau giải phóng, có hàng triệu nhân dân nội thành, gồm tất cả các giới từ công nhân lao động, học sinh, sinh viên, đến các văn nghệ sĩ, trí thức, kể cả các tu sĩ, giáo phẩm… đã về tiếp sức với nông dân tạo thành một khí thế lao động sôi nổi.

      Từ những năm 1977 đến năm 1980 đã xây dựng được hệ thống công trình thủy lợi chủ yếu như sau:

     - Hệ thống tiêu úng, xổ phèn dọc theo các trục kênh Thái Mỹ cầu An Hạ, trên địa bàn 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, tạo điều kiện đưa vào khai thác trên 10.000 ha đất phía Tây Nam Thành phố vùng bưng phèn ngập úng bỏ hoang hóa từ lâu nay. Tại đây xây dựng 5 nông trường: Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Nhị Xuân, Tân Xuân, Thái Mỹ, bước đầu cải tạo đất phèn mặn, hình thành các vùng chuyên canh mía, thơm, cây ăn trái (điều, chuối) và mô hình nông lâm kết hợp. Vùng này phải sau thời gian cải tạo đất 5 - 7 năm mới phát huy kết quả. Khai thông nạo vét hệ thống kênh rạch chống úng, xổ phèn thuộc hệ thống kênh Bến Mương - Láng The, chống úng, dẫn nước tưới cho cây trồng, tạo điều kiện tăng vụ và mở rộng diện tích trồng lúa cho huyện Củ Chi.

    - Những mô hình thủy lợi nhỏ phát huy tác dụng tốt như thủy lợi nội đồng xã Bình Mỹ huyện Củ Chi, xã Phú Hữu huyện Thủ Đức (cũ) sản xuất lúa tăng vụ năng suất cao. Các bờ bao từng khoảng vườn cây ăn trái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai thuộc Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12, quận Thủ Đức (cũ). Đến nay khu vực này có trên 6.000 ha cây ăn trái cho sản lượng khá.

    - Công trình thủy lợi có ý nghĩa lịch sử đối với ngoại thành Thành phố là hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi, bắt đầu xây dựng năm 1985 đến năm 1990 hoàn thành cơ bản, gồm 11 km kênh trục chính, 22 tuyến kênh cấp I dài 62 km, phục vụ nước tưới khoảng 7.000 ha đất canh tác vùng Bắc Củ Chi.

    - Ngoài hệ thống thủy lợi quan trọng đã thực hiện giai đoạn trước, đã phát triển hệ thống giếng nước tưới vùng chuyên canh rau, gồm hơn 20 giếng công nghiệp có lưu lượng từ 30 - 60 m3/h, trên 400 giếng bán công nghiệp có lưu lượng từ 10 - 13 m3/h và hàng ngàn giếng thủ công, và kéo lưới điện hạ thế trên 60 km phục vụ bơm nước tưới cho rau, màu, cây công nghiệp.

   - Xây dựng hệ thống ngăn mặn, xổ phèn vùng Tây Nam Thành phố thuộc Hóc Môn và Bắc Bình Chánh, nạo vét rạch Tham Lương Bến Cát - Vàm Nước Lên có tác dụng chống úng và thoát ô nhiễm hoàn chỉnh tuyến đe bao xây dựng dọc sông Sài Gòn chống ngập úng lúc triều cường…

    Với hệ thống các công trình thủy lợi đã xây dựng và được tiếp tục hoàn chỉnh, mở rộng và kiên cố hóa đã phục vụ tốt sản xuất trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao mức sống nông dân ngoại thành.

b) Phát triển giao thông nông thôn ngoại thành

      Trên địa bàn nông thôn ngoại thành trước ngày giải phóng, rất ít đường sá thông thương, hầu hết là đường làng đường đất. Một ít đường liên tỉnh huyện là đường đá trải nhựa mỏng, cầu cống thô sơ, cầu cây (cầu khỉ), một số ít cầu sắt cũ kỹ dọc tuyến liên tỉnh lộ… bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đứt quảng từng khúc, lầy lội. Từ sau ngày giải phóng, đồng chí Mai Chí Thọ đã chỉ đạo Thành phố tập trung khôi phục và phát triển giao thông nông thôn, kể cả đường bộ và đường thủy.

     Đến năm 2000, tất cả các đường liên tỉnh, liên huyện đều được nâng cấp, mở rộng, xây mới cầu, cống kiên cố. Các tuyến đường nội bộ quận, huyện đến xã đều được trải đá, trải nhựa. Số ít còn lại là đường cấp phối. Đường nội bộ trong xã đến các ấp hầu hết là đường cấp phối mở rộng, đến các cụm dân cư đều được nâng cấp, xóa bỏ đường mòn, cầu khỉ.

c) Cơ giới hóa - điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn

     Sau giải phóng, Thành phố có chủ trương huy động và khuyến khích lực lượng có máy cày máy kéo tiếp tục hoạt động, Nhà nước bán xăng dầu theo giá chỉ đạo. Đồng thời ngành nông nghiệp tiếp nhận một số máy cày máy kéo do miền Bắc và Liên Xô (cũ) chi viện cộng với số máy cày máy kéo, máy ủi đất do Thành phố tiếp quản, thành lập trạm máy kéo đầu tiên với 2 đội máy cày, có trên 40 đầu máy lớn: MTZ, DT54 (của Liên Xô), loại FORD 500 và nhiều loại máy khác. Năm 1976, đồng chí đã chỉ đạo tăng cường lực lượng máy cày và huy động thêm để phụ hóa khai hoang đưa vào sản xuất hơn 70.000 ha đất trước đây là “vùng đất trắng”, đưa diện tích trồng trọt từ 45.000 ha lên 115.000 ha.

      Điện khí hóa nông thôn cũng được đồng chí quan tâm chỉ đạo và bắt đầu từ khá sớm. Từ đầu năm 1980, đồng chí đã chỉ đạo Thành phố có chủ trương hạ thế điện để bơm nước giếng tưới ở các vùng sản xuất hoa màu vụ đông xuân, như vùng chuyên canh rau, vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng năm. Cung ứng điện cho các trạm bơm điện ở các huyện… đồng thời điện khí hóa thí điểm một số xã, kéo điện sinh hoạt đến nhà dân trong xã, và mở rộng dần khắp các xã nông thôn ngoại thành.

d) Về cải tạo nông nghiệp, xây dựng nông thôn

      Từ 1975 - 1980 là thời kỳ khôi phục màu xanh trên đất chết, đồng chí    Mai Chí Thọ đã chỉ đạo thành lập Ban Khai hoang và Kinh tế mới, vừa động viên nhân dân tháo gỡ bom mìn, vừa phục hóa 70.000 ha "đất chết" đưa vào sản xuất, nâng diện tích nông nghiệp lên 115.000 ha, hình thành vành đai xanh cung cấp lương thực thực phẩm cho nội thị. Đặc biệt, đồng chí đã chỉ đạo thực hiện thành công việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ; xây dựng các khu rừng phòng hộ, văn hóa lịch sử ở Củ Chi, Bình Chánh, Quận 9 (cũ); rừng thực nghiệm ở Dần Xây, Tân Tạo, góp phần quan trọng trong chương trình bảo vệ, cải thiện môi sinh, môi trường thành phố và các tỉnh lân cận.       Từ đó, Thành phố có trên 33.500 ha rừng các loại, trong đó có 31.208 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; không kể 5.300 ha cây lâm nghiệp ngoài quy hoạch 3 loại rừng và gần 50 triệu cây phân tán các loại được chăm sóc, quản lý, bảo vệ. Tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh trên 39,1%, trong đó tỉ lệ che phủ rừng 18,5%. Hệ động thực vật rừng không ngừng phát triển, ngày càng phong phú về chủng loại và số lượng.

      Những năm tiếp theo từ 1981 - 1986, đồng chí đã chỉ đạo thành lập    Phân ban Nông nghiệp Nông thôn, tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, điện, giao thông nông thôn, hệ thống ngăn mặn, xổ phèn vùng Tây Nam Hóc Môn và Bắc Bình Chánh. Đặc biệt là hệ thống kênh Đông Củ Chi bằng vốn ngân sách với hơn 1,5 triệu ngày công lao động công ích, xã hội của nhân dân Thành phố. Kênh Đông đưa nước ngọt hồ Dầu Tiếng về Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với 11 km kênh trục chính, 22 tuyến kênh cấp I (62 km) tưới tiêu cho 7.000 ha vùng Củ Chi. Nhờ đó, nhiều diện tích bỏ hoang do không có nguồn nước tưới, sản xuất một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… tạo cơ sở bền vững cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của “vành đai xanh”, hỗ trợ nông dân tích tụ đất, sản xuất quy mô trang trại; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây - con cho lợi nhuận cao như hoa lan, cây - cá cảnh; bò sữa; rau an toàn…

       Để xây dựng được nông thôn như ngày hôm nay, đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng với nhân dân Thành phố cố gắng nỗ lực vượt qua những hậu quả chiến tranh, đồng thời cũng trải qua những bước thăng trầm gắn liền với quá trình cải tạo và xây dựng nền kinh tế của nước ta trong thời gian qua.

3. Sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thành phố hiện nay

     Tiếp nối giai đoạn trước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Về nông nghiệp, Thành phố đã thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù riêng của thành phố, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tang cao, an toàn của khu vực. Nông nghiệp thành phố dần trở thành nền nông nghiệp “thịnh vượng” có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, sử dụng hiệu quả đất canh tác, tạo ra giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha vượt gấp 5 lần so với cả nước (tuy diện tích đất nông nghiệp giảm trên 900 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm 6,38%/năm, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, gắn với chính sách hỗ trợ lãi vay nên tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 đạt 4,4%/năm)

       Về nông dân, đã dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tích cực tham gia thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, thu nhập vùng nông thôn được nâng cao, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp (năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn chỉ bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; nhưng đến năm 2019 là 72,6%). Người nông dân Thành phố ngày càng chú trọng nâng cao trình độ, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chú trọng đến nông sản chất lượng cao và an toàn. Hiện nay, thành phố đã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên theo từng giai đoạn. Tất cả cư dân vùng nông thôn được thụ hưởng các dịch vụ (điện, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục…) tương đương với cư dân thành thị.

         Về nông thôn, Thành phố có 5/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè,     Cần Giờ, Bình Chánh) được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

[1] Tham khảo tài liệu “Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2005)”, Viện Kinh tế, năm 2005.

 

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc