Phát triển nông thôn và bố trí dân cư

Báo cáo Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023

Thứ sáu, 31/03/2023, 13:41 GMT+7

Báo cáo Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023

I.KẾT QUẢ THỰC HIỆN SẢN XUẤT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NĂM 2022
1.Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
a) Tốc độ tăng trưởng
-GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13,68%), giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp ước đạt 19.035,6 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13,71%); trong đó, trồng trọt tăng 3,4% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,46%), chăn nuôi tăng 2,3% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 19,29%), thủy sản tăng 5,9% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17,48%). 
-Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2022 ước đạt 570 triệu đồng/ha, tăng 14,5% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 9,7%).
-Giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng khoảng 68% so với tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp.
b) Về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai, chim yến… Về chuyển dịch cơ cấu: trồng trọt chiếm tỷ trọng 25,9% (cùng kỳ 24,9%), chăn nuôi 35,5% (cùng kỳ 38,4%), thủy sản 30,6% (cùng kỳ 28,9%). 
2 .Kết quả sản xuất nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng
2.1 Nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực
a) Nhóm sản phẩm cây trồng
-Rau: Diện tích gieo trồng rau các loại 21.500 ha (tăng 1,7% so cùng kỳ), sản lượng rau đạt 607.788 tấn (tăng 6% so cùng kỳ). 
-Hoa, cây kiểng: diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng 2.325 ha (tăng 9,2% so cùng kỳ), trong đó, diện tích hoa nền 645 ha (tăng 59,3% so cùng kỳ), hoa lan 340 ha (diện tích canh tác), giảm 8,1% cùng kỳ; mai 765 ha (diện tích canh tác), tăng 0,1% so cùng kỳ; kiểng - bonsai 575 ha (diện tích canh tác), giảm 2,5% so cùng kỳ.  
b) Nhóm sản phẩm chăn nuôi
-Bò sữa: đàn bò sữa cái 40.908 con (giảm 16,9% so cùng kỳ), trong đó, cái vắt sữa 24.627 con (giảm 17,9% so cùng kỳ); sản lượng sữa tươi 180.113 tấn (tăng 0,2% so cùng kỳ).
-Heo: đàn heo 145.541 con (giảm 15,5% so cùng kỳ), trong đó, nái sinh sản 15.751 con (giảm 9,6% so cùng kỳ); sản lượng thịt heo 36.451 tấn (tăng 3,5% so cùng kỳ).
c) Nhóm sản phẩm thủy sản (tôm nước lợ): diện tích nuôi tôm nước lợ 5.286 ha (tăng 4,1% so cùng kỳ), sản lượng thu hoạch tôm đạt 9.511 tấn (tăng 22,8% so cùng kỳ), trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh là 2.018,87 ha (tăng 15,26% so cùng kỳ), sản lượng đạt 7.743,82 tấn (tăng 27,3% so cùng kỳ); quảng canh, quảng canh cải tiến 3.339,83 ha, sản lượng đạt 1.767,28 tấn. 
2.2 Nhóm sản phẩm tiềm năng (cá cảnh): sản lượng cá cảnh đạt 94 triệu con (giảm 6,2% so cùng kỳ).
3. Tình hình xuất khẩu 
-Giống cây trồng: Các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã xuất khẩu khoảng 248,16 tấn hạt giống (gồm 172,16 tấn hạt giống rau, 16 tấn hạt giống lúa, 60 tấn hạt giống đậu), tăng 57,9% so với cùng kỳ.
-Cá cảnh: Số lượng cá cảnh xuất khẩu là 11,9 triệu con, giảm 17,5% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu 12.492.679 USD, giảm 18,2% cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu: Châu Âu (chiếm 58,00%); Châu Á (chiếm 28.50%); Châu Mỹ (chiếm 10,69%); Trung Đông (chiếm 1,90%); Nam Phi (chiếm 0,91%).
-Cá sấu: Các trại đã xuất khẩu 38.121 tấm da cá sấu, 11.418 sản phẩm da cá sấu và 20 con cá sấu; kim ngạch đạt 60,283 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Nhật bản.
T4.Tình hình thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị
-Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 - 2020 đã hết hiệu lực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhan dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 23 tháng 3 năm 2021 về gia hạn thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 - 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021. 
-Ngày 14 tháng 10 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố có Công văn số 3759/UBND-KT về báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả của Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 và Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố.
-Thực hiện Công văn số 3759/UBND-KT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân Thành phố hồ sơ ban hành dự thảo Nghị quyết quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025 (Tờ trình số 2798/TTr-SNN ngày 08 tháng 11 năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
-Ngày 01 tháng 12 năm 2022, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố có Thông báo số 832/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Võ Văn Hoan tại cuộc họp nghe báo cáo về ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến chỉ đạo và góp ý của các đơn vị dự họp, chủ động lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thiện lại Tờ trình ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, trình lại Ủy ban nhân dân Thành phố.
-Thực hiện Thông báo số 832/TB-VP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 3147/SNN-PTNT ngày 12 tháng 12 năm 2022 gửi các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức lấy ý kiến. Dự kiến trình Ủy ban nhân dân Thành phố trong Quý I năm 2023.
5. Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán
Tổng diện tích đất có rừng và cây lâm nghiệp là 36.822 ha. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán đạt 17,57%, tăng 0,1% so cùng kỳ.
6. Diêm nghiệp    
-Diện tích sản xuất muối tại Thành phố (huyện Cần Giờ) là 1.545 ha, giảm 5% so cùng kỳ; trong đó, diện tích sản xuất muối trải bạt 1.304 ha (tăng 19 ha so cùng kỳ). Tổng số hộ sản xuất muối toàn Thành phố là 687 hộ. 
-Tổng sản lượng muối thu hoạch đạt 65.019 tấn, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Lý do: Mưa trái vụ gây thiệt hại hơn 28.260 tấn.
-Giá thu mua dao động: Muối đất: 900 - 3.100 đồng/kg; muối trải bạt 1.000 - 3.200 đồng/kg.
II.KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NĂM 2023
1.MỤC TIÊU 
1.1 Mục tiêu tổng quát
-Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, làm tiền đề để hướng đến một nền nông nghiệp đô thị xanh, sinh thái, tuần hoàn và chia sẽ mang đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh. 
-Thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm 06 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, nâng cao giá trị và lợi thế của sản phẩm nông nghiệp Thành phố, góp phần bảo vệ môi trường.
-Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.
-Phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 
-Thực hiện triển khai Chương trình, bộ tiêu chí nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn Thành phố. 
-Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
-Kiểm soát ô nhiễm vùng sản xuất, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, bảo vệ và phát triển các công trình thủy lợi, môi trường rừng và ứng phó biến đổi khí hậu. 
1.2. Mục tiêu cụ thể
a) Chỉ tiêu sản xuất
-Tốc độ tăng GRDP và giá trị sản xuất: từ 3 - 4%.
-Giá trị sản xuất: từ 640 - 660 triệu đồng/ha.
-Chỉ tiêu trồng trọt:
+Diện tích rau ứng dụng công nghệ cao: 460 ha.
+Diện tích hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao: 200 ha.
-Chỉ tiêu chăn nuôi:
+Tổng đàn bò sữa công nghệ cao đạt: 2.500 con.
+Con giống bò sữa: 17.000 con.
+Tổng đàn heo: 150.000 con.
+Tổng đàn heo công nghệ cao đạt: 81.000 con.
+Con giống heo: 194.000 con
-Chỉ tiêu thủy sản:
+Diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao 75 ha 
+Giống cá cảnh: Khoảng 110 triệu con.
-Chỉ tiêu lâm nghiệp:
+Tỷ lệ che phủ rừng: 15,93%.
+Cung cấp cây xanh phân tán cho các cơ quan và địa phương trên địa bàn Thành phố: 550.350 cây.
-Chỉ tiêu thủy lợi: Cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp từ hệ thống công trình thuỷ lợi đạt 100 % (60.000 ha).
b) Chứng nhận VietGAP hoặc tương đương
-Chứng nhận VietGAP rau đạt 79%.
-Chứng nhận VietGAHP heo đạt 67%.
c) Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 42 - 46% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Thành phố.
d) Chỉ tiêu nông thôn mới
-Tham mưu Thành phố xây dựng hoàn thành khung pháp lý thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
-Sản phẩm OCOP: Công nhận 27 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao trở lên.
e) Hợp tác xã
-Phấn đấu 70 - 75% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
f) Công tác Thanh tra chuyên ngành
-Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tăng 3 - 5% so với năm 2022.
g) Cải cách hành chính
-Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp loại tốt.
-Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đạt 100%, trong đó trên 80% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn. 
h) Về công tác giáo dục đào tạo: Đào tạo 500 học viên hệ trung cấp các ngành.
2. Một số nhóm giải pháp trọng tâm
-Rà soát, điều chỉnh, xây dựng, thực hiện các chính sách, quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
-Phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp cùng góp phần xây dựng đô thị thông minh của Thành phố, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
-Duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống
-Công tác đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.
-Phát huy vai trò trung tâm của Hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
-Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng hội nhập CPTPP.
-Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố giai đoạn 2021-2025.
(Đính kèm Báo cáo số 282/BC-SNN ngày 23 tháng 12 năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về báo cáo tổng két ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kết hoạch năm 2023)

Người viết : Phạm Minh Nhật
Ý kiến bạn đọc