Phát triển nông thôn và bố trí dân cư

Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại huyện Bình Chánh

Thứ tư, 07/12/2022, 14:09 GMT+7

Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả tiêu chí tổ chức sản xuất

trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại huyện Bình Chánh

      Huyện Bình Chánh có vị trí là địa bàn cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh, có các trục đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, đường Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Tỉnh lộ 10,… đây là huyết mạch giao thông chính kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 
     Huyện Bình Chánh có 16 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 xã và 01 thị trấn (Thị trấn Tân Túc, xã An Phú Tây, Bình Hưng, Bình Chánh, Tân Kiên, Tân Quý Tây, Tân Nhựt, Hưng Long, Phong Phú, Đa Phước, Qui Đức, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Bình Lợi, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B), được chia thành 101 ấp, 05 khu phố với 1.778 tổ nhân dân và 65 tổ dân phố. Huyện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dân số cơ học tăng không ngừng, bình quân mỗi năm trên 30.000 người. Dân số cư trú thực tế vào năm 2021 là 848.442 người, tăng 389.512 người (tỷ lệ tăng 54,09%) so với tổng số dân năm 2010.
     Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn và toàn diện của Đảng và Nhà nước nhằm tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho người dân nông thôn. Trong những năm qua, nhằm thực hiện và hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, Huyện đã tập trung tuyên truyền và hỗ trợ người dân, hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp với tổng nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất (từ năm 2013 đến năm 2020) với số tiền 473,834 tỷ đồng (vốn đầu tư là 842,362 tỷ đồng). 
     Trước khi xây dựng nông thôn mới, Huyện Bình Chánh có 09 hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, Huyện đã phát triển thành 34 hợp tác xã với với 4.591 thành viên, tổng vốn điều lệ 178,142 tỷ đồng (tăng 16 hợp tác xã) hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, gồm 18 hợp tác xã nông nghiệp, 11 hợp tác xã vận tải, 03 quỹ tín dụng nhân dân, 02 hợp tác xã môi trường; Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 1.909 người, trong đó lao động đồng thời là thành viên 1.158 người; Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các hợp tác xã 06 triệu đồng/người/tháng. 
     Ngoài ra huyện còn có 65 tổ hợp tác với 815 thành viên, trong đó, có 51 tổ nông nghiệp với 556 thành viên, 14 tổ hợp tác phi nông nghiệp với 259 thành viên. Các tổ hợp tác có sinh hoạt định kỳ, thảo luận trao đổi chia sẽ kinh nghiệm trong sản xuất và ghi nhận những khó khăn để báo với Ủy ban nhân dân cấp xã để hỗ trợ kịp thời cho tổ viên, một số tổ hợp tác gia công thành sản phẩm hoạt động dưới hình thức là hộ gia đình. 
     Ngày 04 tháng 11 năm 2016, Huyện đã ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND về triển khai thực hiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên địa bàn huyện Bình Chánh. Qua triển khai thực hiện, nổi bật có các Hợp tác xã Phước An, Phước Bình, Hoa lan Việt hoạt động ổn định có doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước (do các hợp tác xã này tập trung vào hoạt động cung cấp dịch vụ đầu vào (cây giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,..) bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, hộ gia đình, từng bước khẳng định thương hiệu, sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn để bán tại các siêu thị lớn như: Coop Mart, Big C, doanh nghiệp, Chợ đầu mối... Đồng thời, Ủy ban nhân dân Huyện tiếp tục định hướng: Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng, sản phẩm đặc thù trên địa bàn huyện Bình Chánh là rau an toàn, hoa mai, hoa lan và cá kiểng… ; Hỗ trợ tạo điều kiện phát triển mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả có hợp đồng liên kết sản xuất ổn định; Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, giữ vững xếp loại hoạt động tốt, khá. Khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, kinh doanh; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của Thành phố, của Huyện; Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Huyện; Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn cùng với xây dựng, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến hiện đại tại các khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh có quy mô diện tích lớn, gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, xây dựng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
     Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chi cục Phát triển nông thôn (đơn vị trực tiếp tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã đánh giá Tiêu chí Tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Thành phố) đề xuất Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:
     1. Triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu làng hoa mai vàng Bình Lợi.; bưởi da xanh xã Phạm Văn Hai; dừa xiêm xã Lê Minh Xuân...
     2. Thông qua nguồn vốn khuyến công, khoa học công nghệ của Thành phố để đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình, trình diễn kỹ thuật sản xuất, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã về pháp luật, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
     3. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm nông nghiệp huyện Bình Chánh tham gia các gian hàng triển lãm, hội chợ hàng nông sản do Thành phố tổ chức hàng năm.
     4. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hộ nông dân đăng ký chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nông sản; phối hợp các Sở, ngành Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương) kết nối các doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
     5. Cập nhật, thông tin tình hình thị trường hàng hóa nông sản kịp thời đến nhân dân để giúp người dân chủ động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sản phẩm rau VietGAP của HTX Phước An, huyện Bình Chánh

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc