Phát triển nông thôn và bố trí dân cư

Định hướng triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Thứ ba, 19/09/2023, 08:31 GMT+7

Định hướng triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới
(Theo định hướng từ Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tháng 7/2023)

1. Tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo của chủ thể OCOP; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; sử dụng nguyên liệu địa phương và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng: Phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương; phản ánh các hoạt động về quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn.
b) Đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, trong đó tập trung trọng tâm vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường; bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh, từ đó góp phần từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP xanh để phát triển bền vững. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn gắn với phương pháp phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng (ABCD) để nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể OCOP và cộng đồng.
2. Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và theo yêu cầu của thị trường
a) Tập trung cho các sản phẩm là lợi thế, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là đã trở thành dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng (tập trung khai thác các bản sắc, lợi thế đặc trưng của các sản phẩm để tạo sự khác biệt với các sản phẩm có tính phổ biến của nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và nhóm sản phẩm chủ lực cấp Thành phố). Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, khai thác các giá trị riêng có của sản phẩm để tạo sự khác biệt về sức cạnh tranh trên thị trường.
b) Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn. Đẩy mạnh hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững (sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường,…). 
c) Hình thành các câu chuyện mang tính quảng bá, marketing trên nền tảng các giá trị về văn hóa, tri thức bản địa của người dân và cộng đồng; gắn với các thông điệp về tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm dựa trên nền tảng lợi thế của các sản phẩm địa phương.
d) Nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp đáp ứng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là chú trọng về các khía cạnh: (1) Tổ chức sản xuất và quản trị; (2) Năng lực về thương mại, đặc biệt là xây dựng sự kết nối ngay từ đầu giữa các Chủ thể với các đơn vị phân phối, hình thành sự kết nối và thống nhất chung về sản phẩm, chất lượng, yêu cầu để tham gia vào chuỗi phân phối.
3. Về khía cạnh xúc tiến thương mại
a) Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung vào: (1) Nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại; (2) Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, thương mại điện tử; (3) Xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP; (4) Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu, đặc biệt là kết nối ngay từ giai đoạn tổ chức sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất – thị trường.
b) Xây dựng và quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
c) Tập trung, ưu tiên thị trường trong nước, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ và kết nối từ trung ương đến địa phương;
d) Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP quốc gia. Trong đó, từng bước tổ chức các sự kiện tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam ở các nước như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
4. Nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng và tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP
a) Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp, đặc biệt là đẩy mạnh hướng dẫn, giám sát ở cấp huyện.
b) Tổ chức rà soát, đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết hạn theo quy định. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận; kiên quyết thu hồi sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định.
Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành tại Quyết định số 2476/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố), việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025./.

Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố năm 2023

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc