Phát triển nông thôn và bố trí dân cư

Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh 1923-2023

Thứ tư, 04/10/2023, 09:35 GMT+7

Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh 1923 - 2023

Sáng ngày 29 tháng 9 năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh 1993 - 2023. 
Tại Hội nghị đã tổng kết những đóng góp của khuyến nông đối với ngành nông nghiệp thành phố trên các lĩnh vực qua các giai đoạn, đặc biệt là hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Một số những điểm nổi bật như sau:
Hoạt động khuyến nông giai đoạn 1993 - 1998
Mặc dù thời kỳ này, sản xuất nông nghiệp chưa tập trung, nhưng nhờ sự phối hợp tốt của bà con nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật do Khuyến nông khuyến cáo, năng suất, chất lượng nông sản được cải thiện đáng kể, thu nhập của nông dân tăng lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 24 triệu đồng/ha/năm (1997) lên 32 triệu đồng/ha/năm vào năm 2000. Nhiều hộ nông dân thoát nghèo và có hơn 1.500 hộ nông dân xây dựng được các mô hình sản xuất theo khuyến cáo đã vươn lên làm giàu, điển hình có hộ đạt thu nhập gần 60 triệu đồng/ha/năm.
Hoạt động khuyến nông giai đoạn 1999 - 2005
Thành tựu nổi bật trong giai đoạn này là khuyến nông đã cùng ban ngành địa phương và bà con nông dân thực hiện thắng lợi chuyển đổi vùng đất phèn nhiễm mặn, độc canh cây lúa, năng suất thấp tại Cần Giờ, Nhà Bè sang nuôi tôm sú, tạo sản lượng hàng hóa xấp xỉ 8.000 tấn/năm, giá trị sản lượng trên 500 tỷ đồng, lợi nhuận của nông dân tăng lên từ 52 - 200 lần so với trồng lúa. Bên cạnh con tôm, hoạt động khuyến nông đã góp phần tăng nhanh đàn bò sữa, từ 25.000 con năm 2000 tăng lên gần 50.000 con vào năm 2005, tăng bình quân 14,5%/năm. Bò sữa trở thành vật nuôi chủ lực, sản phẩm sữa trở thành nông sản hàng hóa. Nhiều bà con nông dân làm giàu nhờ chăn nuôi bò sữa. Tương tụ hoạt động khuyến nông trên cây rau giai đoạn này cũng góp phần phát triển diện tích an toàn tăng nhanh, từ 200 ha năm 2001 tăng lên trên 1.600 ha năm 2003 và đạt trên 2.000 ha vào năm 2005. Diện tích rau an toàn chiệm 88,9% tổng diện tích canh tác rau an toàn Thành phố. Đến cuối giai đoạn, ngoại thành Thành phố đã có hơn 300 nhà lưới để trồng tau an toàn, nhân rộng gấp 5 làn từ mô hình trình diễn của khuyến nông.
Hoạt động khuyến nông giai đoạn 2006 - 2015
Giai đoạn 2006 - 2015, cùng với nhiều đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động khuyến nông đã đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch đúng hướng của nông nghiệp thành phố. Các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống được thay thế dần bởi cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Bước đầu tạo được các sản phẩm nông nghiệp đô thị đặc trưng và mang tính hàng hóa. Sản xuất ngày càng ổn định hơn, chuyên nghiệp hơn và hiện đại hơn. Khuyến nông đã tích cực hỗ trợ, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả tại các xã xây dựng nông thôn mới, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân. Hàng năm có khoảng 10.000 lượt nông dân được tham gia trực tiếp và hưởng lợi từ các hoạt động khuyến nông.
Hoạt động khuyến nông giai đoạn 2016 đến nay
Trong giai đoạn này, Trung tâm khuyến nông Thành phố tập trung chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc cử cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa học; tổ chức nhiều lớp dạy nghề ứng dụng công nghệ cao cho nông dân Thành phố tham gia học tập, thực hành và triển khai thực hiện mô hình công nghệ cao. Khuyến nông hỗ trợ nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động: chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật từ đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyển giao cho nông dân, nhằm tạo ra giống mới chất lượng và chủ động nguồn giống đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất; xây dựng các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa, mía sang các cây trồng vật nuôi khác hiệu quả theo hướng ưu tiên sản phẩm chủ lực của ngành (rau, hoa, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh), trình diễn ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển giao giống an toàn dịch bệnh, chất lượng, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và nhân rộng cho bà con nông dân, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Hoạt động khuyến nông đã trực tiếp tác động, tạo nên các thành quả như: nhận thức và trình độ sản xuất của bà con nông dân được nâng cao; nông dân thành phố không chỉ được bồi dưỡng về kiến thức sản xuất mà còn được nâng cao về ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong sản xuất; sản phẩm nông nghiệp thành phố ngày càng mang tính đặc trưng đô thị, sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thành phố; sản xuất nông nghiệp thành phố không chỉ chuyển dịch đúng hướng mà còn được đổi mới bởi các phương thức sản xuất phù hợp và tăng cường áp dụng công nghệ số, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong thời gian tới, để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn… Khuyến nông tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong việc góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, chuyển giao những mô hình hay và hiệu quả; vận động khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi, đầu tư công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số,… góp phần thực hiện mục tiêu thắng lợi của ngành nông nghiệp thành phố đã đặt ra./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Người viết : Phùng Ngọc Tâm
Ý kiến bạn đọc