Kinh tế hợp tác

Kết quả triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba, 21/07/2020, 08:27 GMT+7

Kết quả triển khai một số chính sách hỗ trợ

phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

1. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Để thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2013, Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2017 về việc hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng đang công tác tại hợp tác xã nông nghiệp, theo đó: hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, với mức hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học là 1,2 triệu/người/tháng, cán bộ có trình độ cao đẳng là 0,8 triệu/người/tháng (số lượng cán bộ hỗ trợ là 02 người/hợp tác xã).

Đồng thời, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có văn bản giao Liên minh Hợp tác xã Thành phố là đơn vị trực tiếp xét duyệt hồ sơ và cấp phát kinh phí cho các đối tượng được hỗ trợ trên cơ sở xác nhận của Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo đúng quy định. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã hỗ trợ 141 lượt cán bộ/77 lượt hợp tác xã với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.813,8 triệu đồng.

2. Chính sách ưu đãi về tín dụng

Để hỗ trợ hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ viên tổ hợp tác vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành nhiều chính sách (Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố; Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013, Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2014, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016, Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố: Quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố, đây là chính sách ưu đãi về lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố), theo đó quy định: hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ viên tổ hợp tác vay vốn từ tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 60% - 100% lãi suất tùy theo hạng mục đầu tư. Từ khi có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị đến nay đã hỗ trợ cho Hợp tác xã Tân Thông Hội (vay 26,850 tỷ đồng), Hợp tác xã Phú Lộc (vay 280 triệu đồng) vay vốn có hỗ trợ lãi suất. Riêng trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện tiếp tục triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho các thành viên hợp tác xã, cụ thể: Bà Nguyễn Thị Nhiệm - thành viên Hợp tác xã Thuận Yến được vay 5.495 triệu đồng, Ông Trần Văn Mùa - thành viên Hợp tác xã Hiệp Thành được vay 600 triệu đồng, Ông Lê Hữu Thiện - thành viên Hợp tác xã Hoa mai vàng Bình Lợi được vay 2.000 triệu đồng, Ông Hoàng Thanh Hải – thành viên Hợp tác xã Hải Nông được vay 740 triệu đồng.

3. Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Lũy tiến từ tháng 8 năm 2016 (từ khi có Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố) đến nay, đã tổ chức 563 phiên chợ nông sản tại 14 địa điểm, là những nơi tập trung đông dân cư với 10.440 đơn vị và 11.450 gian hàng tham gia. Ngoài cung cấp hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chợ phiên còn tiến hành ký kết các đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm.
Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc