Ngành nghề nông thôn

Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội

Thứ tư, 13/11/2019, 10:38 GMT+7

Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội

1. Vị trí địa lý

Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội nằm trên địa bàn xã cùng tên huyện Củ Chi. Từ ngã tư Ạn Sương chạy theo quốc lộ 22 hướng về Tây Ninh khoảng 20 km là đến xã Tân Thông Hội. 

        Xã Tân Thông Hội nằm ở phía Nam huyện Củ Chi, phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh, có điều kiện tiểu vùng sinh thái đặc trưng hệ sinh thái nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ; có tọa độ địa lý từ 10o53’00” đến 10o10’00” vĩ độ Bắc và từ 106o22’00” đến 106o40’00” kinh độ Đông.
Ranh giới hành chính được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp với xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi;
- Phía Đông giáp với xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi;
- Phía Tây giáp với xã Tân An Hội và thị trấn huyện Củ Chi;
- Phía Nam giáp ranh với huyện Hóc Môn và tỉnh Long An.

        Nằm tiếp giáp với thị trấn Củ Chi, đồng thời có đường cao tốc Xuyên Á (quốc lộ 22) chạy qua, do đó rất thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt phát triển các ngành thương mại, dịch vụ và công nghiệp theo hướng mở cửa với bên ngoài; nhất là các hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Tây Ninh, Campuchia và ngược lại.

 Vị trí làng nghề

2. Lịch sử hình thành.
        Theo những người lớn tuổi tại làng nghề nghề mành trúc được hình thành từ ngày giải phóng. Nghề được khởi đầu ở Trung Chánh sau đó mới đến đây và phát triển đến nay.
        Trước đây ở xã Tân Thông Hội có diện tích đất trống, rộng nên người dân trồng trúc nhiều. Từ năm 1975 nghề mành trúc bắt đầu hình thành, đến khoảng năm 1978 đến 1988 là lúc nghề này phát triển mạnh, có hợp tác xã quản lý, sau đó lại giải thể từ đó đến nay người dân tự làm, tự quản lý, tự ký kết các hợp đồng với khách hàng.
          Từ những gia đình làm ăn nhỏ lẻ sau một thời gian mở rộng thành cơ sở sản xuất lớn làm đầu mối cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nhỏ gia công.
3. Tình hình sản xuất của làng nghề hiện nay.
          Theo thống kê hiện nay làng nghề mành trúc Tân Thông Hội: có 05 cơ sở sản xuất, kinh doanh mành trúc và có khoảng 400 hộ gia công mành trúc cho các cơ sở này.
          Nghề mành trúc không giống như nghề khác ít công đoạn, có thể làm một người mà nghề này đòi hỏi phải có nhiều người làm, nên khi phát triển nghề ra thì sẽ có nhiều người đến cùng làm, làm theo nhiều công đoạn khác nhau như xỏ dây, giựt giàn, lên khung, sơn cảnh...
Làm mành trúc tưởng đơn giản nhưng lại không đơn giản bởi những công đoạn dù nhỏ nhặt nhất vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu của người thợ ở giai đoạn gia công thô. Trong khi đó, một tấm mành trúc được làm ra đòi hỏi tính nghệ thuật rất cao. Khách hàng mua hàng với giá của một tấm mành treo cửa nhưng lại đòi hỏi trên tấm mành đó là họa tiết của một bức tranh nghệ thuật.
Ðể có được tấm mành trúc đạt yêu cầu của những thị trường khó tính thì phải trải qua hàng chục công đoạn phức tạp. 
Ban đầu, những nhánh trúc được chọn và cắt thành đoạn nhỏ dài chừng 6 cm, trộn với cát và đưa vào lò quay để bỏ hết lớp lụa bên ngoài, rồi đem ngâm trong nước hồ chống mối mọt, đem ra phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 70 đến 800 C. 

   
Cắt trúc thành từng đoạn  -  Lò quay -  Phơi trúc tại cơ sở - Xâu trúc và kết thành mành
         Trúc khô sẽ được xâu lại với nhau thành từng dây bằng những sợi kẽm rồi treo kết thành mành. Ðây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải quan sát thật kỹ để các dây khâu được đều. Vô trúc là công đoạn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo của người thợ. Ở công đoạn này, người thợ lồng những chiếc mành trúc đã được dệt vào trục rồi dùng kìm xoay các sợi kẽm làm sao cho thật chắc. Phải là người quen tay, có kinh nghiệm mới làm được, bởi nếu siết chặt quá dây sẽ bị cứng, còn lỏng quá mành sẽ bị xệ. 

          Ðể vẽ, người thợ dùng một miếng xốp thấm sơn và thể hiện chi tiết trang trí lên mành trúc. Nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kinh nghiệm, biết xử lý từng nét chấm phá một cách tinh tế, sống động… Tranh mành trúc có nhiều chủ đề thể hiện tùy theo yêu cầu khách hàng như phong cảnh, chân dung… nhưng tinh tế và không kém phần sống động. Sau khi lên màu hoàn chỉnh, các bức tranh này sẽ được đưa qua khu vực kiểm hóa một lần nữa rồi mới được đóng gói và xuất hàng. Trong nghề làm mành trúc, mỗi người thợ sẽ đảm nhận một công đoạn khác nhau. Do vậy, rất nhiều lao động là phụ nữ lớn tuổi, nội trợ cũng tham gia vào các công đoạn làm mành ngay tại nhà. 

    Mành trúc thành phẩm

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc