Kinh tế hợp tác

Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025

Thứ sáu, 15/04/2022, 15:23 GMT+7

Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025

(Theo quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Ngày 10 tháng 5 năm 2021 Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng trong đó đã tập trung vào những những mục tiêu, phương hướng và giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh   giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

1. Mục tiêu cụ thể

- Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ phát triển 150 hợp tác xã, 02 Liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP Thành phố là 0,5%; thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã ; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.

- Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực
nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

2. Định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực chủ yếu

2.1 Đối với Tổ hợp tác

- Tập trung phát triển các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề nông thôn); lĩnh vực dịch vụ (thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, thủy lợi, cung cấp cây, con giống, vay vốn tín dụng...).

- Thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi, ưu tiên giao, thuê đất,
nhà xưởng, bồi dưỡng cán bộ quản lý để khuyến khích các tổ hợp tác
chuyển thành hợp tác xã.

2.2 Đối với hợp tác xã

2.2.1 Lĩnh vực nông nghiệp

- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, giữ vững xếp loại hoạt động tốt, khá; củng cố, nâng cao dần chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động trung bình, yếu; phấn đấu hàng năm củng cố và nâng chất một số hợp tác xã hoạt động trung bình, yếu sang hoạt động tốt, khá.

- Giải thể dứt điểm các hợp tác xã đã ngưng hoạt động, hướng dẫn chuyển đổi đăng ký kinh doanh đối với các hợp tác xã có giấy đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực tế đã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ…

- Khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao[1], trong đó: ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 2,0 lần so với phương thức sản xuất thông thường.

- Khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của thành phố như: rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra; tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ); phấn đấu 100% xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động trên địa bàn[2] theo quy định của Luật hợp tác xã  năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

- Tổ chức hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp đánh giá và xếp loại theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2.2 Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

- Tập trung duy trì, củng cố và phát triển các hợp tác xã hiện có,
hoạt động trong các ngành nghề: thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá...và các sản phẩm làng nghề truyền thống; phát triển mới các hợp tác xã làng nghề tại các địa bàn có làng nghề truyền thống; hợp nhất, sáp nhập các hợp tác xã quy mô nhỏ thành hợp tác xã có qui mô lớn, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hội nhập.

- Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có; gắn kết các hợp tác xã có trụ sở trên địa bàn 05 huyện với chương trình khuyến công của Thành phố; hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa.

2.2.3 Lĩnh vực Thương mại - dịch vụ

- Tiếp tục củng cố các hợp tác xã hiện có, phát triển hệ thống cửa hàng
hợp tác xã bán lẻ hàng tiêu dùng theo phương thức bán hàng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.

- Phát triển các hợp tác xã thương mại bán lẻ. Phát triển các hợp tác xã
làm tổng đại lý phân phối cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước, hình thành các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo phương thức mua chung, bán riêng.

- Xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã thương mại với hợp tác xã
nông nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, góp phần giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cung cấp vật tư nông nghiệp cho hộ thành viên.

- Phát triển các hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ, thu hút đông đảo tiểu thương tham gia hợp tác xã, nhất là tại các chợ đầu mối để mở thêm các hoạt động xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa; vệ sinh môi trường; bảo vệ; tham gia phân phối hàng hóa cho các điểm bán lẻ...

- Phát triển mô hình hợp tác xã dịch vụ trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

- Tiếp tục phát triển mô hình liên hiệp hợp tác xã thương mại bán lẻ với hình thức siêu thị tự chọn, kinh doanh theo dạng chuỗi siêu thị; hoạt động phân phối hiện đại với hệ thống siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, trung tâm thương mại.

- Hỗ trợ Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã tham gia hoạt động dịch vụ logistic trên địa bàn Thành phố.

2.2.4 Lĩnh vực giao thông vận tải, bốc xếp

- Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã vận tải trên địa bàn thành phố theo hướng tăng quy mô và giảm đầu mối các hợp tác xã nhỏ lẻ. Ưu tiên phát triển phương tiện mới sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường. Thực hiện công tác hỗ trợ lãi vay hàng năm của các Hợp tác xã đã tham gia đầu tư xe buýt theo Đề án hỗ trợ một phần lãi vay đầu tư xe buýt đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Tăng cường công tác giám sát việc tập huấn nghiệp vụ của người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của các hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn theo quy định của ngành. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt được ưu tiên về bến bãi, đáp ứng nhu cầu phát triển số lượng phương tiện đến năm 2025; phát triển thêm các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã như sửa chữa phương tiện; cung ứng vật tư, xăng dầu; kho hàng, bến bãi... nhằm phục vụ hoạt động của thành viên tốt hơn.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các Hiệp hội, các đơn vị Hợp tác xã) để kịp thời triển khai thông tin chủ trương, chính sách đến các hợp tác xã.

2.2.5 Lĩnh vực dịch vụ môi trường

- Nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành lập Hợp tác xã/doanh nghiệp/tổ chức có
tư cách pháp nhân.

- Củng cố, phát triển các hợp tác xã vệ sinh môi trường trong lĩnh vực thu gom chất thải rắn trong phạm vi quận huyện; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ ở các quận ven, huyện ngoại thành có hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trườn trường; Hình thành Liên hiệp hợp tác xã vệ sinh môi trường nhằm liên kết khép kín hoạt động các khâu thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế... chất thải rắn thông thường trên địa bàn Thành phố.

2.2.6 Quỹ tín dụng nhân dân

- Định hướng phát triển Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Đề án củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2030.

- Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo quy định của pháp luật; có cơ cấu tổ chức, đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các thành viên Quỹ tín dụng nhân dân hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện
đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn;

- Thực hiện tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên phạm vi toàn quốc.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp có liên quan nâng cao hiệu lực quản lý vĩ mô đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Thành phố, đảm bảo cho Quỹ tín dụng nhân dân bước sang giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 hoạt động thực sự an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

3. Giải pháp thực hiện

1. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã:  

- Nâng cao chất lượng bản tin Kinh tế hợp tác, trang thông tin điện tử của Liên minh; phối hợp với cơ quan báo đài tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong khu vực kinh tế tập thể; phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố xây dựng chương trình, phóng sự chuyên đề về hoạt động kinh tế tập thể; Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tập thể theo hướng dẫn của Bộ Ngành Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp: cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn về Luật Hợp tác xã, mục đích ý nghĩa, nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác xã cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân tại các quận, huyện (bằng các hình thức như: tập huấn, biên soạn cẩm nang, tờ rơi, hội nghị, cuộc thi, mở các chuyên san, chuyên mục, phim phóng sự, phim truyền hình, khảo sát học tập mô hình, hội thảo...). Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,... phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm (rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa, bò thịt...) qua các hình thức tuyền truyền tập huấn, khảo sát học tập mô hình kinh tế tập thể tại các tỉnh, thành.

2. Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách:

- Thực hiện đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc áp dụng đối các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan theo lĩnh vực, ngành. Đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã có quy mô lớn, doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động... nhằm phát huy tối đa mọi tiềm lực và năng lực của hợp tác xã, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển ổn định và bền vững.

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới để hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn
2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các đối tượng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể về hỗ trợ ưu đãi giao đất, cho thuê đất đối với các hợp tác xã theo quy định Luật hợp tác xã năm 2012 và Luật Đất đai.

3. Về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã

- Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã tại các sở, ngành, quận, huyện; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban
Chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác xã Thành phố và các quận, huyện.

- Định kỳ 6 tháng/lần, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác xã
Thành phố và các quận, huyện gặp gỡ, đối thoại với các hợp tác xã trên
địa bàn; tăng cường hoạt động giám sát hợp tác xã trong việc thực hiện Luật Hợp tác xã, điều lệ hợp tác xã, việc tổ chức đại hội thường niên, đại hội nhiệm kỳ theo quy định.

4. Về nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã và tổng kết mô hình:

4.1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã: Hàng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, cán bộ quản lý nghiệp vụ hợp tác xã theo chỉ tiêu bình quân 1.500 lượt người/năm; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý hợp tác xã, các chính sách của nhà nước cho cán bộ tư vấn, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác xã tại các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã. Kinh phí do ngân sách thành phố, quận, huyện hỗ trợ theo quy định.

4.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã: Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng bản chất Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; phát huy vai trò
làm chủ của thành viên; vận động thành viên hợp tác xã góp vốn; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên.

4.3. Về hỗ trợ vốn, tín dụng: Tiếp tục làm cầu nối giữa các tổ chức tín dụng và các hợp tác xã, đồng thời thống kê nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã để gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

4.4. Về hỗ trợ xúc tiến thương mại

- Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hàng năm cho các hợp tác xã; xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các hợp tác xã trên trang thông tin điện tử của Liên minh và các sở, ngành; hỗ trợ các hợp tác xã có sản phẩm xuất khẩu tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

- Xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm nông nghiệp
chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh (rau, hoa, bò sữa, heo, cá cảnh, tôm nước lợ,...) hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết; xác định rõ vai trò của các bên tham gia liên kết: hộ nông dân tập trung sản xuất theo kế hoạch của hợp tác xã; hợp tác xã tập trung thu gom, sơ chế, chế biến sản phẩm và cung cấp cho doanh nghiệp; doanh nghiệp thực hiện tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã.

- Hỗ trợ liên kết các tuyến/tour du lịch hiện có trên địa bàn thành phố với việc trải nghiệm sản xuất tại các hợp tác xã, đặc biệt là trải nghiệm sản xuất tại các hợp tác xã sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, hợp tác xã hoa cây kiểng, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

4.5. Hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ

- Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Thành phố hỗ trợ ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói và bảo quản hàng nông sản thực phẩm theo yêu cầu của các hợp tác xã trên địa bàn Thành phố.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ khoa học công nghệ; ưu tiên cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp trọng điểm đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, hiện đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện; ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với chế độ đãi ngộ theo quy định của thành phố; hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã được tham gia các chương trình đào tạo dạy nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố với chế độ đãi ngộ theo quy định của thành phố, hỗ trợ cung cấp giống cây, giống con, giống nấm,… chất lượng tốt, chuyển giao quy trình công nghệ, đào tạo tập huấn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao cho cán bộ và các thành viên của hợp tác xã trên địa bàn thành phố; hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cho hợp tác xã, thành viên hợp tác xã để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

4.6. Về triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và tổng kết mô hình

- Triển khai nhân rộng mô hình hợp tác xã quản lý chợ và mô hình
hợp tác xã phân phối sản phẩm hàng hoá.

- Nghiên cứu mô hình hợp tác xã y tế, hợp tác xã trường học của Nhật Bản, hợp tác xã nhà ở của Thụy Điển; ngân hàng hợp tác xã của Hàn Quốc, bảo hiểm xã hội đối với hợp tác xã của Singapore; khuyến khích xây dựng
đề án phát triển và thí điểm triển khai các mô hình mới này.

- Nghiên cứu, tham mưu Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.

- Nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho
hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2025, chính sách
thu hút cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại hợp tác xã
nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan liên quan thực hiện.

5. Về huy động nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tập thể,
hợp tác xã

- Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xem xét lồng ghép việc hỗ trợ kinh tế tập thể trong các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới; các chương trình hỗ trợ của các ngành và tổ chức khác nhau như: Nông nghiệp, Công Thương, Ngân hàng, Hội nông dân… tạo nguồn lực đủ mạnh cho kinh tế tập thể phát triển.

- Phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã Thành phố trong việc kết nối, phối hợp, chủ động tìm kiếm các đối tác, các tổ chức tài trợ nước ngoài để hỗ trợ hợp tác xã trong quá trình đổi mới, củng cố phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả của các tổ chức đại diện hợp tác xã của một số nước trên thế giới.

6. Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Thành phố: Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Liên minh Hợp tác xã Thành phố đủ số lượng cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu; có chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã.
 

[1]Thực hiện Kế hoạch số 6355/KH-BNN-KTHT ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020, theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2020 mỗi tỉnh/thành phố lớn hoặc các
địa phương sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh) có ít nhất 30
hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

[2]Hợp tác xã có đăng ký hoạt động với các hình thức: trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện,
địa điểm kinh doanh trên địa bàn xã nông thôn mới.

Người viết : Lê Công Hậu
Ý kiến bạn đọc