Kinh tế hợp tác

Quyết định số 3017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022–2025

Thứ sáu, 07/10/2022, 10:14 GMT+7

Quyết định số 3017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt “Chương trình khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025”

*****

          Ngày 08 tháng 9 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3017/QĐ-UBND về phê duyệt “Chương trình khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025”.

         Theo đó, mục tiêu của chương trình được xác định như sau: Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố thông qua hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin, tập huấn, dạy nghề nông nghiệp cho nông dân theo phương thức và chính sách khuyến nông; Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố; Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, các giải pháp sản xuất xanh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch; Nâng cao tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo, nâng cao hiệu quả dạy nghề nông nghiệp.

          Đồng thời, có 6 nhiệm vụ lớn được đặt ra để thực hiện chương trình, cụ thể như sau:

        1. Xây dựng và nhân rộng các mô hình: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; sản xuất các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giống mới, giống chất lượng cao; nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng hiệu quả trong sản xuất. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, dịch hại, bảo vệ môi trường thông qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chế phẩm sinh học, vi sinh trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng thịt, sữa trong chăn nuôi. Xây dựng các mô hình theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.

         2. Bồi dưỡng, tập huấn và dạy nghề nông nghiệp: tập trung dạy nghề nông nghiệp dưới 3 tháng; tập huấn kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thủy sản; tổ chức khảo sát, học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất, ứng dụng quy trình, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng tập huấn và dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

         3. Thông tin tuyên truyền về nông nghiệp và khuyến nông: Phổ biến, tuyên truyền các chính sách nông nghiệp hiện hành; giới thiệu các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp, các gương nông dân, hợp tác xã hoạt động hiệu quả; duy trì và phát triển các trang thông tin điện tử; tổ chức tham gia các hội nghị, hội thi, hội chợ, triển lãm hàng nông nghiệp Thành phố; tham quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

        4. Tư vấn và dịch vụ khuyến nông: Tăng cường công tác tư vấn dịch vụ khuyến nông về giống, vật tư, trang thiết bị, dịch cụ sản xuất nông nghiệp cho người sản xuất; tư vấn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật,…; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, nông lâm, thủy sản an toàn, đạt chứng nhận, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

         5. Hợp tác và khuyến nông: Xây dựng liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các Viện, trường, nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức trong và và ngoài nước cũng như các đơn vị trong hệ thống khuyến nông quốc gia.

        6. Thực hiện các đề án hỗ trợ nông dân: Hỗ trợ hình thành các tổ chức kinh tế chính thức để lao động có hợp đồng làm việc chính thức; phát triển các tổ chức của nông dân, người lao động; triển khai các đề án hỗ trợ nông dân.

Để triển khai chương trình, các nhóm giải pháp thực hiện sẽ tập trung vào: cơ chế chính sách, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông; tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác khuyến nông.
Người viết : Nguyễn Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc