Kinh tế hợp tác

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tập thể bền vững

Thứ năm, 11/11/2021, 10:27 GMT+7

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tập thể bền vững

Ngày 23 tháng 8 năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3064/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện 134/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực  hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Với Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.

Tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhất là hợp tác xã kiểu mới; vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan.

Thứ ba, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thứ tư, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia.

Thứ năm, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ sáu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong việc thực hiện kết luận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm, tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố là 0,5% và thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định, xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; tỉ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.

Khuyến khích hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh khuyến kích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, Thành phố sẽ tập trung duy trì, củng cố và phát triển hợp tác xã hiện có, hoạt động trong các ngành nghề như thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá…

Đối với các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, bốc xếp, dịch vụ môi trường, quỹ tín dụng nhân dân, Thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu của của các hợp tác xã theo hướng tăng quy mô và giảm đầu mối; thúc đẩy mô hình liên hiệp hợp tác xã thương mại bán lẻ; thực hiện liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn các quỹ tín dụng nhân dân…
Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc